Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, đặc biệt là dữ liệu từ các Cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin quốc gia, nhất là Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của bộ ngành, địa phương sẽ giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu; nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin nhiều lần cho cơ quan nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ; tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí
Thời gian qua, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các bộ ngành, địa phương đã đẩy mạnh kết nối, chia sẽ và khai thác tài nguyên dữ liệu phục vụ số hóa, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai có hiệu quả hơn và đạt được một số kết quả nổi bật như:
Thực hiện Đề án 06, 15 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công như: xác thực, định danh, bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy,…, trong đó 09 tháng đầu năm 2023 đã thực hiện tiếp nhận và xử lý tra cứu, xác thực thông tin cho 1,2 tỷ trường hợp, đồng bộ thông tin công dân cho 536 triệu trường hợp, giúp tiết kiệm chi phí thực hiện các thủ tục kiểm tra xác minh, sao in hồ sơ, giấy tờ tùy thân,…; đã tích hợp để thay thế thẻ Bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp điện tử trong thực hiện thủ tục khám chữa bệnh tại 12.597 cơ sở khám chữa bệnh, đạt 98,2%; thực hiện đồng bộ, làm sạch dữ liệu của hơn 91,2 triệu thông tin nhân khẩu giữa Cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (trong đó có hơn 82,3 triệu người đang đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 94% tổng số người tham gia), tạo cơ sở thuận lợi cho việc thực hiện các thủ tục hành chính lĩnh vực bảo hiểm xã hội; đã thu nhận 64,3 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử, kích hoạt trên 42 triệu tài khoản, có 24 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử để chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho việc sử dụng tài khoản VNeID trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo quy định tại Nghị định số 59/2021/NĐ-CP,…
Các dịch vụ công liên thông điện tử được đẩy mạnh dựa trên kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước như: Dịch vụ công trực tuyến đăng ký, cấp biển số xe (dựa trên kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan đăng kiểm, hải quan, thuế, công an giúp cắt giảm được thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc xe đối với xe nhập khẩu, giảm các giấy tờ phải nộp, thông tin phải điền của chủ xe); dịch vụ công toàn trình Đổi giấy phép lái xe (dựa trên kết nối, chia sẻ dữ liệu giấy khám sức khỏe của các cơ sở khám chữa bệnh thông qua hệ thống thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, dữ liệu xử lý vi phạm hành chính của Bộ Công an giúp giảm thời gian, thủ tục xác minh, kiểm tra và giấy tờ phải nộp,…); 02 nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng” (giúp cắt giảm hồ sơ, giấy tờ, thời gian thực hiện, chi phí đi lại của nhóm khai sinh từ tổng số 21 ngày làm việc xuống còn 4 ngày làm việc; nhóm khai tử từ tổng số 25 ngày làm việc xuống còn 10 ngày làm việc),… Một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác này như: Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính (Thuế, Hải quan, Kho bạc nhà nước), Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bình Định,…
Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với 150 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị (Cổng DVCQG đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của 24 bộ, ngành, 63 địa phương; 16 ngân hàng, trung gian thanh toán; 10 cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành; các Tập đoàn, tổng công ty, công ty, bệnh viện,…) phục vụ xác thực định danh, đăng nhập một lần và giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, trong đó đã công khai, đồng bộ thông tin 6.413 TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính với các Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh; tích hợp, cung cấp gần 4,5 nghìn dịch vụ công trực tuyến, chiếm hơn 70%; phục vụ xác thực, định danh và đăng nhập một lần của gần 10 triệu tài khoản, với 2,8 tỷ lượt truy cập tìm hiểu thông tin và dịch vụ, trung bình mỗi ngày có 106 nghìn hồ sơ trực tuyến, 50 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng.
Có 03 Bộ (Nội vụ, Tư pháp, Giao thông vận tải) và 31 địa phương (An Giang; Bà Rịa – Vũng Tàu; Bắc Ninh; Bình Định; Bến Tre; Điện Biên; Đồng Tháp; Đắk Lắk; Hà Nam; Hưng Yên; Hà Tĩnh; Hải Dương; Hòa Bình; Kiên Giang; Kon Tum; Lào Cai; Lâm Đồng; Nam Định; Ninh Thuận; Nghệ An; Quảng Ngãi; Quảng Trị; Quảng Nam; Sóc Trăng; TP. Cần Thơ; Trà Vinh; Thái Nguyên; Thanh Hóa; Tuyên Quang; Vĩnh Long; Yên Bái) đã hoàn thành việc xây dựng, kết nối, tích hợp Kho dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu số hóa phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương đã chủ động nghiên cứu, triển khai các giải pháp kết nối, chia sẻ tại bộ, ngành, địa phương giúp việc triển khai thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến thuận lợi, hiệu quả hơn như: (1) Tỉnh Bình Định thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với Hệ thống thông tin của các bệnh viện, trường học, doanh nghiệp cấp nước, vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh giúp người dân Bình Định thực hiện thanh toán trực tuyến viện phí, phí trên Hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công quốc gia; (2) Tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng Cơ sở dữ liệu quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh trên cơ sở số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh giúp việc quản lý và giải quyết có hiệu quả các thủ tục hành chính liên quan đến người nước ngoài, nhất là các dịch vụ công trực tuyến về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài trên địa bàn tỉnh thuận lợi, hiệu quả hơn,…
Bên cạnh nhiều kết quả nổi bật, công tác quản lý, kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thời gian qua tại các bộ, ngành, địa phương vẫn còn một số hạn chế, bất cập, đó là: Việc tái sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa phục vụ giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần còn rất hạn chế, 9 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 3% (1,8 triệu hồ sơ có tái sử dụng lại thông tin, dữ liệu trong tổng số hơn 62 triệu hồ sơ TTHC). Hiện nay, có nhiều thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền thực hiện của cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do các bộ, ngành triển khai cung cấp trên môi trường mạng như: Bộ Tư pháp (Hệ thống quản lý hộ tịch điện tử; Hệ thống quản lý lý lịch tư pháp); Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Hệ thống đăng ký doanh nghiệp; đăng ký hộ kinh doanh); Bộ Giao thông vận tải (Hệ thống quản lý vận tải đường bộ; Hệ thống quản lý đăng ký giấy phép lái xe); Bộ Tài nguyên và Môi trường (Hệ thống CSDL đất đai); Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Hệ thống Đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội); Bộ Xây dựng (Hệ thống cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ và cung cấp thông tin quy hoạch; Hệ thống cấp chứng chỉ hành nghề); Bộ Giáo dục và Đào tạo (Hệ thống quản lý thi tốt nghiệp PTTH); Bộ Tài chính (Cấp mã số cho đơn vị có quan hệ ngân sách); Bộ Y tế (Hệ thống cấp chứng chỉ hành nghề),… nhưng chưa hoàn thành kết nối, đồng bộ thông tin tiếp nhận, xử lý hồ sơ với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện cập nhật trên nhiều hệ thống, gây lãng phí thời gian, chi phí, nguồn lực, giảm năng suất lao động. Việc xây dựng, đưa vào khai thác trên quy mô toàn quốc đối với một số cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành như: Đất đai, Tài chính, Hộ tịch,… còn chậm, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, xã hội. Vấn đề xử lý phối hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan và tình trạng “cát cứ thông tin” vẫn còn là lực cản trong chuyển đổi số. Cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của một số bộ, ngành chưa được nâng cấp, sẵn sàng kết nối, chia sẻ để tái sử dụng dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến…/.