banner
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Hướng dẫn một số nội dung bồi thường đối với giống cây trồng, vật nuôi quy định tại Điều 103 Luật Đất đai
2-8-2024

Hướng dẫn một số nội dung bồi thường đối với giống cây trồng, vật nuôi quy định tại Điều 103 Luật Đất đai

Ngày 30/7/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Văn bản số 5474/BNN-PC gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đề nghị hướng dẫn một số nội dung bồi thường đối với giống cây trồng, vật nuôi quy định tại Điều 103 Luật Đất đai năm 2024 

Theo đó, thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được nhiều văn bản của Uỷ ban nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương1 liên quan tới nội dung quy định tại Điều 103 Luật Đất đai năm 2024 về bồi thường cây trồng, vật nuôi. Căn cứ nội dung đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau: 

Khoản 6 Điều 103 Luật Đất đai năm 2024 quy định “6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi theo quy trình sản xuất do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc do địa phương ban hành theo quy định của pháp luật; đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi quy định tại Điều này bảo đảm phù hợp với giá thị trường và phải xem xét điều chỉnh khi có biến động để làm căn cứ tính bồi thường khi thu hồi đất”. 

Tại điểm c khoản 1 Điều 83 Luật Trồng trọt năm 2018 đã quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: “c) Chỉ đạo, tổ chức quản lý hoạt động trồng trọt trên địa bàn; hướng dẫn, ban hành quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương; tổ chức sản xuất trồng trọt”. 

Tại điểm a khoản 1 Điều 102 Luật Thủy sản quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm “Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thi hành pháp luật về thủy sản”.

Như vậy, để triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn tổ chức thi hành pháp luật về cây trồng, vật nuôi, thủy sản (quy trình sản xuất, chu kỳ thu hoạch…) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2020, đảm bảo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2024 và phù hợp với thực tiễn phát triển ngành, lĩnh vực tại địa phương. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan được giao chủ trì xây dựng, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật Đất đai năm 2024. Do đó, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình triển khai thi hành Điều 103 Luật Đất đai năm 2024 để triển khai đúng tinh thần điều luật và được hướng dẫn áp dụng cụ thể. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp các thông tin liên quan đến quy định về quy trình sản xuất để các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham khảo tổ chức thi hành Điều 103 Luật Đất đai năm 2024 như sau: 

Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lâu năm như: Quyết định 2085/QĐ-BNN-TT ngày 31/5/2016 ban hành Quy trình tái canh cà phê vối; Quyết định số 4428/QĐ-BNN-TT ngày 9/11/3018 ban hành quy trình tái canh cà phê chè. 

Quy định định mức kinh tế, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lâu năm: Quyết định 663/QĐ-BNN-KN ngày 03/02/2021; Quyết định 3758/QĐ-BNN-KHCN ngày 21/9/2020. 

Tiêu chuẩn Quốc gia về chăn nuôi: TCVN 9713:2013 Lợn Giống nội - Yêu cầu kỹ thuật; TCVN 9111:2011 Lợn giống ngoại - Yêu cầu kỹ thuật; TCVN 9120:2011 Bò giống Brahman - Yêu cầu kỹ thuật. 

Lĩnh vực lâm nghiệp:

Về quy trình sản xuất lâm nghiệp (các biện pháp kỹ thuật lâm sinh) đã được quy định tại Thông tư số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về các biện pháp lâm sinh; trong đó hướng dẫn cụ thể các biện pháp lâm sinh, bao gồm: (i) Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung; (ii) Nuôi dưỡng rừng, làm giàu rừng; (iii) Cải tạo rừng tự nhiên; (iv) Trồng rừng mới, trồng lại rừng; chăm sóc, nuôi dưỡng rừng trồng. 

Về quy trình, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng các loài cây lâm nghiệp chính, cây lâm nghiệp chủ yếu: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn kỹ thuật trồng các loài: Keo lai, Keo tai tượng, Keo lá tràm, Mắc ca, Quế, Mấm trắng, Mấm biển, Đước đôi, Đưng, Bần trắng và Cóc trắng, Dà vôi, Dừa nước, Đước vòi, Tra bồ đề, Trang, Sú, Mắm đen, Vẹt dù và Bần chua. Hiện nay, đang tiếp tục xây dựng hướng dẫn kỹ thuật trồng 20 loài cây (Bạch đàn lai, Bạch đàn u rô, Keo lá tràm, Keo lưỡi liềm, Mỡ, Bồ đề, Sa mộc, Sao đen, Dầu rái, Thông mã vĩ, Thông ba lá, Thông nhựa, Hồi, Lát hoa, Giổi xanh, Vối thuốc, Bời lời đỏ, Trôm, Trám trắng, Trám đen); 

Về xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lâm nghiệp: Lĩnh vực lâm nghiệp đã công bố 379 TCVN, trong đó có 94 TCVN liên quan đến cây trồng lâm nghiệp; Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13351:2021 về chuồng nuôi các loài Hổ, Sư tử, Gấu chó và Gấu ngựa - Yêu cầu kỹ thuật; Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 13648: 2023 về Chuồng nuôi cá sấu nước ngọt - Yêu cầu kỹ thuật. 

Đã công bố 71 tiến bộ kỹ thuật, trong đó có 29 tiến bộ kỹ thuật liên quan đến quy trình sản xuất cây trồng lâm nghiệp; 

Về phương pháp định giá rừng, định mức kinh tế - kỹ thuật về lâm nghiệp đã được quy định tại: Thông tư số 20/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023; Thông tư số 21/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023; Thông tư số 05/2024/TT-BNNPTNT ngày 19/4/2024... 

Về danh mục các loài vật nuôi không thể di chuyển: Căn cứ khoản 4 Điều 103 Luật Đất đai năm 2024, căn cứ vào tình hình thực tế tại các địa phương (ví dụ: do tình hình dịch bệnh của khu vực thu hồi đất, tỉnh hình dịch bệnh tại vùng định chuyền đến, không có nơi chuyển đến,...) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định vật nuôi khác không thể di chuyển để bồi thường thiệt hại thực tế theo mức bồi thường cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Chẳng hạn thời gian vừa qua, xuất phát từ thực tế sản xuất ở một số địa phương có nhiều cơ sở nhà nuôi yến kiến nghị hỗ trợ bồi thường đối với vật nuôi khác mà không thể di chuyển đối với “chim Yến” là loài chim sống tự do trong tự nhiên. Dẫn dụ chim yến là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để thu hút chim yến về làm tổ trong nhà yến. Khi nhà nước thu hồi đất trong đó có nhà nuôi yến thì không thể di chuyển, thu hồi “chim Yến” về địa điểm mới. 

Về cách xác định tuổi cây và chu kỳ thu hoạch, hiện nay, chưa có tài liệu nghiên cứu, hướng dẫn xác định tuổi cây và chu kỳ khai thác đối với từng loại cây lâu năm để thực hiện việc bồi thường như quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật Đất đai năm 2024.

Về công nhận tiến bộ kỹ thuật là quy trình sản xuất theo Thông tư số 04/2018/TT-BNNPTNT chỉ thực hiện trong điều kiện tổ chức cá nhân có nhu cầu đăng ký công nhận tiến bộ kỹ thuật. Tuy nhiên, thực tế hiện nay quy trình sản xuất được đăng ký còn rất hạn chế so với quy mô, chủng loại của cây lâu năm rất phong phú ở nước ta; ngoài ra các quy trình này chỉ hướng dẫn về mặt sản xuất, không hướng dẫn về xác định tuổi cây và chu kỳ khai thác cho từng cây. 

Cây lâu năm có thời gian cho thu hoạch trong nhiều năm; tuy nhiên chu kỳ thu hoạch khác nhau giữa các loài cây, phụ thuộc nhiều yếu tố như đặc tính sinh học của loài cây trồng; điều kiện đất đai, khí hậu của từng vùng, địa phương; kỹ thuật chăm sóc cụ thể..., do đó đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định tại Điều 103 Luật Đất đai năm 2024 ban hành quy trình sản xuất làm căn cứ ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại đảm bảo phù hợp với điều kiện của địa phương. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giao cơ quan chuyên môn thuộc Bộ để phối hợp góp ý, xây dựng đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi theo đề nghị của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

 

 

 

Diệu Linh - Ipckontum
Số lượt xem:113

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 65 Số người online:
TNC Phát triển: