banner
Thứ 6, ngày 4 tháng 4 năm 2025
Kon Tum phát huy bản sắc văn hóa để thu hút đầu tư và phát triển du lịch
10-7-2022

Kon Tum Với đặc thù là địa phương có 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 07 dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ (Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ-Triêng, Hrê, Brâu, Rơ Măm), chiếm tỷ lệ 54,93% dân số toàn tỉnh; trong các cộng đồng DTTS của tỉnh Kon Tum còn lưu giữ nhiều văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, thiết thực và hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa vùng đồng bào DTTS ở địa phương. 

Trong mỗi DTTS tại chỗ của tỉnh, có nhiều nhóm tộc người khác nhau (dân tộc Xơ Đăng có 05 nhóm: Xơ Teng, Tơ Đră, Ha Lăng, Ca Dong và Mơ Nâm; dân tộc Ba Na có 03 nhóm: Bahnar, Rơ Ngao và Jơ Lâng; dân tộc Giẻ - Triêng có 02 nhóm: Jeh và Trieng….); đồng thời, địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS phân bố đều khắp ở các huyện, thành phố của tỉnh.

Trong điều kiện hội nhập diễn ra ngày càng sâu rộng đã tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội, trong đó có việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS của tỉnh; đặc biệt, sự tác động mạnh mẽ của văn hóa hiện đại, nhất là về âm nhạc đương đại, truyền thanh, truyền hình, khoa học công nghệ và mạng lưới thông tin... đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian các DTTS. 

Nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống được phục dựng, bảo tồn 

Xác định tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã tập trung nổ lực triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các DTTS trên địa bàn tỉnh và đạt được những kết quả khả quan, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ và thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch địa phương. 

Đã có nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh được điều tra, khảo sát, phục dựng và bảo tồn, như: Lễ cưới truyền thống của người Ba Na; Nghề dệt thổ cẩm và đan lát của người Xơ Đăng - nhóm Xơ Teng; Điều tra, khảo sát về dân ca của dân tộc Xơ Đăng; Nghề dệt thổ cẩm của người Giẻ - Triêng; Lễ cưới truyền thống của dân tộc Xơ Đăng - nhóm Mơ Nâm; Lễ làm chuồng trâu của người Xơ Đăng - nhóm Mơ Nâm; Lễ bỏ mã của người Rơ Măm; Lễ mừng lúa mới của người Rơ Măm; Lễ cưới truyền thống của người Rơ Măm; Nghề dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Brâu; Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Brâu; Lễ Bắt máng nước của dân tộc Xơ Đăng - nhóm Xơ Teng; Lễ Cầu an - Kâm bul của người Gia Rai... 

Đồng thời, tỉnh đã lập hồ sơ khoa học công nhận Sử thi dân tộc Ba Na - Rơ Ngao, tỉnh Kon Tum là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; biên soạn, xuất bản các sách về văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại tỉnh (các tác phẩm: "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở Kon Tum", "Nghề đan lát truyền thống của dân tộc Xơ Đăng", "Ngữ văn dân gian của dân tộc Ba Na", "Nghề dệt truyền thống của dân tộc Xơ Đăng", "Lễ bỏ mã của dân tộc Rơ Măm"; "Lễ mừng lúa mới của dân tộc Rơ Măm", "Văn hóa truyền thống điển hình của dân tộc Xơ Đăng - nhóm Xơ Teng", sách ảnh "Lễ Bắt máng nước của dân tộc Xơ Đăng - nhóm Xơ Teng"). Tổ chức mở lớp truyền dạy “kỹ thuật chế tác và kỹ năng diễn tấu nhạc cụ truyền thống” của dân tộc Brâu; thực hiện kiểm kê di sản văn hóa dân tộc Brâu; kiểm kê, sưu tầm văn hóa truyền thống điển hình của dân tộc Xơ Đăng... 

Bên cạnh đó, các ngành chức năng và các địa phương của tỉnh đã tích cực triển khai công tác kiểm kê, sưu tầm về văn học dân gian các DTTS trên địa bàn tỉnh, trong đó có loại hình sử thi của dân tộc Gia Rai, Ba Na; dân ca của dân tộc Xơ Đăng - nhóm Xơ Teng; phối hợp với một số nghệ nhân tiêu biểu xuất bản ấn phẩm về “Truyện cổ dân gian các dân tộc tỉnh Kon Tum” và “Ngữ văn dân gian của dân tộc Ba Na” gồm các loại hình về truyện cổ, câu đố, tục ngữ, dân ca... Tiếng nói, chữ viết của các DTTS trên địa bàn tỉnh thường xuyên phát trên sóng phát thanh, truyền hình của địa phương nhằm tác động đến nhận thức của đồng bào các dân tộc về giá trị ngôn ngữ của dân tộc mình và phổ biến trực tiếp các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. 

Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế, như: Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian các DTTS chưa được triển khai một cách đồng bộ, sâu rộng cho từng cộng đồng DTTS, chưa thực hành phố biến trong cộng đồng và đang bị mai một hoặc mất dần; nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể các DTTS không được bảo tồn hiệu quả; nhận thức của đa số đồng bào các DTTS về bảo tồn và phát huy loại hình văn học dân gian còn hạn chế, chưa ý thức tự bảo tồn văn hóa truyền thống của mình; một số địa phương chưa quan tâm thỏa đáng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian các DTTS; nguồn kinh phí triển khai thực hiện còn rất hạn chế; đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc còn hạn chế, ít kinh nghiệm; những nghệ nhân được xem là báu vật sống của loại hình di sản văn hóa truyền thống tuổi ngày càng cao, già yếu, bệnh tật, nhiều nghệ nhân đã qua đời, đó là sự thiệt thòi, mất mát vốn quý của di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc; đa số thế hệ trẻ không còn mặn mà với loại hình văn học dân gian của dân tộc.... 

Cần quan tâm hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS

Để thực hiện tốt nhiệm vụ "bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh" theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 (Nghị quyết số 06-NQ/ĐH, ngày 30/9/2020), các cơ quan chức năng và các địa phương của tỉnh cần có các đề án, kế hoạch liên quan công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung và loại hình văn học dân gian các dân tộc thiểu số nói riêng. 

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng loại hình văn học dân gian các DTTS. Triển khai công tác nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa và xuất bản các ấn phẩm về loại hình văn học dân gian các DTTS; tổ chức các hoạt động truyền dạy loại hình văn học dân gian trong đồng bào các DTTS, nhất là thế hệ trẻ. 

Tổ chức định kỳ các hoạt động "Tuần lễ Văn hóa - Du lịch", “Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS"... nhằm giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa, con người tỉnh Kon Tum; đẩy mạnh bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc, trong đó, có các loại hình văn học dân gian các DTTS. 

Tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa để nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào các DTTS.../.

 

Diệu Linh - IpcKonTum
Số lượt xem:490

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467716 Tổng số người truy cập: 172 Số người online:
TNC Phát triển: