Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 02 - 05/01/2024
Ban hành Quy định nội dung chi, mức chi của Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh; Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, trừ sinh vật hại cây trồng; quản lý giống cây trồng trên địa bàn tỉnh; Quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng công trình trên địa bàn tỉnh; Phê duyệt diện tích đất tưới nước, cấp nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2023; Triển khai Đề án phát triển chế biến thức ăn công nghiệp chăn nuôi đến năm 2023; Tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu; Quy chế phối hợp quản lý, vận hành Cụm thông tin điện tử công cộng trên địa bàn tỉnh... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 02 - 05/01/2024.
Ban hành Quy định nội dung chi, mức chi của Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh
Tại Quyết định số 01/2024/QĐ-UBND ngày 02/01, UBND tỉnh Quy định nội dung, mức chi hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai từ Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh; Phân bổ số thu từ Quỹ cấp tỉnh cho UBND cấp huyện, cấp xã; Chi phí quản lý, điều hành hoạt động của Quỹ cấp tỉnh; Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc quản lý Quỹ cấp tỉnh.
Theo đó, UBND cấp xã được phân bổ 28% số thu trên địa bàn để hỗ trợ chi thù lao cho lực lượng trực tiếp thu quỹ 5%; chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu quỹ 3% và chi thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai tại cấp xã 20%; UBND cấp huyện được phân bổ 23% số thu trên địa bàn (bao gồm cả số thu của cấp xã) để chi thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai tại cấp huyện 20% và chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu quỹ 3%.
Trường hợp các xã khu vực III được phân bổ theo quy định có số tiền thấp hơn các xã không ở khu vực III thì phân bổ tối thiểu bằng số tiền của cấp xã không ở khu vực III được phân bổ thấp nhất trên địa bàn tỉnh.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/01/2024.
Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, trừ sinh vật hại cây trồng; quản lý giống cây trồng trên địa bàn tỉnh
Ngày 02/01, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, trừ sinh vật hại cây trồng; tăng cường công tác quản lý giống cây trồng trên địa bàn tỉnh.
* Tại Chỉ thị số 01/CT-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai công tác phòng, trừ sinh vật gây hại trên cây trồng tại địa phương. Trong đó, tập trung chỉ đạo giải quyết diệt trừ cây Mai dương, bệnh khảm lá trên cây sắn, sâu bệnh hại trên cây dược liệu đặc biệt là cây Sâm Ngọc linh (nếu có) không để lây lan ra diện rộng; Tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, phát hiện xử lý sớm, dứt điểm ngay từ ban đầu các đối tượng gây hại trên cây trồng; phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác phòng trừ, khống chế sinh vật gây hại trên cây trồng, tránh tình trạng chủ quan, lơ là, kiên quyết không để sinh vật gây hại lây lan và phát triển thành dịch.
Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức để chủ thực vật nắm được quyền và nghĩa vụ của mình đã được quy định; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến người dân bằng các hình thức phù hợp về thời điểm phát sinh và các biện pháp phòng, trừ các đối tượng sâu, bệnh hại cụ thể trên từng loại cây trồng ở từng thời điểm...
Chủ động chỉ đạo triển khai các giải pháp ngăn chặn, phòng trừ bệnh hại trên cây trồng có khả năng phát sinh trong thời gian tới; khuyến cáo người dân sử dụng giống cây trồng có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh, phù hợp với điều kiện canh tác tại địa phương, giống có khả năng chống chịu sâu bệnh; vệ sinh đồng ruộng; bố trí thời vụ hợp lý; gieo trồng đúng kỹ thuật; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo đúng thời gian cách ly của thuốc; sử dụng phân bón cân đối hợp lý và các biện pháp khác thân thiện với môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển, tăng sức chống chịu, hạn chế sự phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại, bảo vệ và phát triển sinh vật có ích...
* Tại Chỉ thị số 02/CT-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh yêu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống cây trồng thuộc địa bàn nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành, đồng thời lựa chọn cho phù hợp. Tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền (nếu có).
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất kinh doanh giống cây trồng; hướng dẫn người dân lựa chọn, sử dụng giống cây trồng đã có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam; phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan của địa phương tăng cường công tác kiểm tra các phương tiện buôn bán giống cây trồng trái pháp luật; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền (nếu có).
Thường xuyên công khai danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn; các trường hợp vi phạm pháp luật (nếu có); cập nhật danh sách nguồn giống được công nhận, công nhận lại hoặc bị hủy bỏ hiệu lực công nhận trên các phương tiện thông tin đại chúng để tổ chức, cá nhân, người dân biết, lựa chọn...
Quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng công trình trên địa bàn tỉnh
Tại Quyết định số 02/2024/QĐ-UBND ngày 02/01, UBND tỉnh ban hành Quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng các khu khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên thiên nhiên khác, đô thị, du lịch, công nghiệp, di tích lịch sử, điểm du lịch; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật khác trên địa bàn tỉnh.
Quy định áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quản lý, vận hành, sử dụng các khu khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên thiên nhiên khác, đô thị, du lịch, công nghiệp, di tích lịch sử, điểm du lịch; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật khác trên địa bàn tỉnh.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể ngày 12/01/2024.
Phê duyệt diện tích đất tưới nước, cấp nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2023
Tại Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 03/01, UBND tỉnh phê duyệt diện tích đất tưới nước, cấp nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn tỉnh năm 2023 với tổng diện tích đất tưới nước, cấp nước là 22.753,45 ha. Cụ thể: Lúa vụ Đông Xuân 6.405,43 ha; Lúa vụ Mùa 7.233,60 ha; Cây công nghiệp dài ngày 7.749,98 ha; Rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày 1.275,08 ha; Nuôi trồng thủy sản 89,36 ha (biện pháp tưới tự chảy).
Diện tích đất tưới nước, cấp nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên là cơ sở để nghiệm thu, thanh quyết toán tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2023.
Triển khai Đề án phát triển chế biến thức ăn công nghiệp chăn nuôi đến năm 2023
Triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi năm 2030; tại Công văn số 37/UBND-NNTN ngày 04/01, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp - PTNT và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi theo đúng quy định; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nhất là các chỉ tiêu an toàn đối với thức ăn chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyên vận động người chăn nuôi sử dụng nguồn nguyên liệu trên địa bàn có giá trị dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học nhằm sản xuất nhanh các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp trong tỉnh.
Đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình khuyến nông đối với các mô hình trồng cỏ để dự trữ thức ăn trong mùa mưa rét; đánh giá kết quả và nhân rộng các mô hình có hiệu quả cho người dân áp dụng.
Tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Tiếp tục tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số; tại Công văn số 39/UBND-KTTH ngày 04/01, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin với cơ quan thuế để phát hiện và xử lý kịp thời trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hóa đơn, cụ thể: Không phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng; mua, bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp để trốn thuế, gian lận thuế; sử dụng hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông; sử dụng, phát hành hóa đơn có nội dung không đúng với thực tế hàng hóa, dịch vụ phát sinh mua, bán; sử dụng hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra;…
Thực hiện giám sát chặt chẽ, tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu của các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu.
Tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các biện pháp, giải pháp tuyên truyền đến người tiêu dùng, các đơn vị kinh doanh, bán lẻ xăng dầu hiểu rõ về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc thực hiện quy định phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
Quy chế phối hợp quản lý, vận hành Cụm thông tin điện tử công cộng trên địa bàn tỉnh
Tại Quyết định số 03/2024/QĐ-UBND ngày 05/01, UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp quản lý, vận hành Cụm thông tin điện tử công cộng trên địa bàn tỉnh, gồm: Quy định về nguyên tắc, nội dung, phương thức và trách nhiệm phối hợp trong quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, cung cấp và đăng phát thông tin trên Cụm thông tin điện tử công cộng (Cụm TTĐTCC) giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trên địa bàn tỉnh.
Công tác phối hợp thực hiện theo các nội dung: Đảm bảo an toàn cơ sở vật chất, an toàn an ninh; Sản xuất, cung cấp và đăng phát thông tin; Sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống trang thiết bị Cụm TTĐTCC.
Theo quy chế, thời lượng đăng phát thông tin phục vụ công tác tuyên truyền trên Cụm TTĐTCC tối thiểu 6 giờ/ngày (3 giờ buổi sáng và 3 giờ buổi chiều tối); Trong trường hợp cần thông tin về sự cố, các tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hỏa hoạn, cấp cứu, dịch bệnh, thảm họa xảy ra ở địa phương hoặc có ảnh hưởng đến địa phương; các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh, các địa phương thì thời lượng và khung giờ phát thông tin thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền. Thời lượng đăng phát thông tin quảng cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2024.