banner
Thứ 6, ngày 20 tháng 9 năm 2024
Những chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 18 - 22/11/2023
23-12-2023

Chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 18 - 22/11/2023

Chọn tiếng DTTS để triển khai chương trình bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh; Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí; Chấn chỉnh công tác quản lý, xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; Ủy quyền cho Sở Xây dựng và UBND các huyện, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh; Ban hành các quy định áp dụng trong năm 2024; Phê duyệt bổ sung danh sách người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh năm 2024; Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 18 - 22/12/2023. 

Chọn tiếng DTTS để triển khai chương trình bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh 

Tại Quyết định số 748/QĐ-UBND ngày 18/12, UBND tỉnh chọn tiếng 4 dân tộc thiểu số (DTTS) để triển khai bồi dưỡng công dân Việt Nam là người DTTS; cán bộ, công chức, viên chức và sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng công an, quân đội đang công tác trên địa bàn tỉnh Kon Tum, gồm: Tiếng Bahnar, tiếng Jẻ - Triêng, tiếng Xê Đăng và tiếng Jrai. 

Cũng tại Quyết định, UBND tỉnh ban hành Chương trình chi tiết bồi dưỡng tiếng 4 DTTS trên. 

Việc lựa chọn tiếng DTTS để triển khai chương trình bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh nhằm bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết của cộng đồng các DTTS tại chỗ của tỉnh; triển khai công tác bồi dưỡng tiếng DTTS, góp phần bổ sung kiến thức ngôn ngữ cho công dân Việt Nam là người DTTS; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng công an, quân đội, đáp ứng yêu cầu công tác vùng DTTS, phục vụ cho các nhiệm vụ chính trị, xã hội tại địa phương...

 Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí 

Nhằm thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, tại Công văn số 4390/UBND-NNTN ngày 18/12, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn tỉnh. 

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên Trang TTĐT của Sở, phối hợp với các cơ quan liên quan công bố trên Cổng TTĐT tỉnh và các phương tiện truyền thông. Trường hợp xảy ra ô nhiễm môi trường không khí, chủ động phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương liên quan kịp thời cảnh báo cho cộng đồng, Nhân dân biết, phòng tránh, thực hiện biện pháp khắc phục, giảm thiểu. 

Tổ chức kiểm tra, giám sát, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện các biện pháp kiểm soát, đảm bảo xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn; đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định. 

Chấn chỉnh công tác quản lý, xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ 

Tại Công văn số 4407/UBND-HTKT ngày 19/12, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự, xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn. Trong đó, có biện pháp tuyên truyền, vận động tháo dỡ, cưỡng chế tháo dỡ, kiên quyết xử lý triệt để, dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ từ trước đến nay; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan nếu để phát sinh các trường hợp vi phạm mới. 

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để phát sinh các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn, không có biện pháp xử lý kịp thời. 

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 

Để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN kế hoạch năm 2023 đạt kết quả cao nhất, tại Công văn số 4418/UBND-KTTH ngày 20/12, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, địa phương và các đơn vị khác được giao làm chủ đầu tư triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Trong đó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau: 

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm (đặc biệt là về đất đai, tài nguyên, nguyên vật liệu, bãi đổ thải…); cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ tiến độ thi công, yêu cầu tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng; thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. 

UBND các huyện, thành phố tạo điều kiện thuận lợi nhất để triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; trong đó sớm phê duyệt giá đất cụ thể và chú trọng công tác vận động, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của người dân; kiên quyết xử lý những đối tượng không chấp hành, cản trở công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định pháp luật. 

Tăng cường công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và họp trực tuyến để kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án; có giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ, công chức ở các cấp cơ sở để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và hiệu quả công tác thực thi công vụ bằng hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa bàn, nhất là đối với các chương trình mục tiêu quốc gia. 

Chỉ đạo nêu rõ: Thủ trưởng các cơ quan, địa phương, đơn vị được giao làm chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về việc chậm giải ngân kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2023 dẫn đến không hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch được cấp có thẩm quyền giao; không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. 

Theo số liệu của Bộ Tài chính, ước thực hiện đến hết 11 tháng năm 2023, toàn tỉnh Kon Tum giải ngân chỉ đạt khoảng 50,4% kế hoạch vốn Trung ương giao, tỷ lệ giải ngân của tỉnh thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước.

Ủy quyền cho Sở Xây dựng và UBND các huyện, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh 

1. Tại Quyết định số 756/QĐ-UBND ngày 20/12, UBND tỉnh ủy quyền cho Sở Xây dựng thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh được quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể: 

Công bố giá các loại vật liệu xây dựng, thiết bị công trình, chỉ số giá xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công, giá thuê máy và thiết bị thi công. Công bố đơn giá nhân công xây dựng (sau khi có ý kiến của UBND tỉnh). 

Lựa chọn và quyết định phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước theo lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, phù hợp, đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP và các quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có). 

Thời gian ủy quyền: Kể từ ngày Quyết định có hiệu lực (ngày 20/12/2023) đến hết ngày 31/12/2025. 

2. Tại Quyết định số 762/QĐ-UBND ngày 21/12, UBND tỉnh ủy quyền cho UBND các huyện, thành phố quyết định thu hồi đất đối với trường hợp thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh quy định tại khoản 3 Điều 66 Luật Đất đai năm 2013 trong các trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 61 và Điều 62 Luật Đất đai năm 2013. 

Trường hợp khu vực đất thu hồi liên quan từ hai huyện, thành phố thuộc tỉnh trở lên thì UBND huyện, thành phố nơi có đất có đất thu hồi quyết định thu hồi đất đối với phần diện tích đất thuộc địa giới hành chính do địa phương mình quản lý. 

Thời gian ủy quyền từ ngày ký ban hành Quyết định (21/12/2023) đến hết ngày 31/12/2028. 

Ban hành các quy định áp dụng trong năm 2024 

1. Ngày 20/12, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 66/2023/QĐ-UBND Quy định sệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 trên địa bàn tỉnh, gồm các phụ lục: (1) Hệ số điều chỉnh giá đất trồng lúa năm 2024; (2) Hệ số điều chỉnh giá đất trồng cây hàng năm khác năm 2024; (3) Hệ số điều chỉnh giá đất trồng cây lâu năm - năm 2024; (4) Hệ số điều chỉnh giá đất rừng sản xuất năm 2024; (5) Hệ số điều chỉnh giá đất nuôi trồng thủy sản năm 2024; (6) Hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 đối với các loại đất được quy định tại Quyết định số 49/2021/QĐ-UBND ngày 28/12/2021 của UBND tỉnh Kon Tum; (7) Hệ số điều chỉnh giá đất ở tại nông thôn; giá đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn; giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn năm 2024; (8) Hệ số điều chỉnh giá đất ở tại đô thị; giá đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị năm 2024. 

Hệ số điều chỉnh giá đất năm 2024 trên địa bàn tỉnh là căn cứ để xác định giá đất cụ thể đối với những trường hợp pháp luật quy định giá đất cụ thể được xác định bằng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất. 

Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. 

2. Tại Quyết định số 67/2023/QĐ-UBND ngày 20/12, UBND tỉnh ban hành Bảng đơn giá nhà, công trình xây dựng năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, bảng đơn giá nhà, công trình xây dựng được áp dụng đối với các đối tượng được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Áp dụng để quản lý các hoạt động mua bán, kinh doanh nhà ở, tính thuế và các loại phí, lệ phí có liên quan đến nhà ở theo quy định của pháp luật. 

Không áp dụng Bảng đơn giá nhà, công trình xây dựng được ban hành kèm theo Quyết định này đối với các trường hợp: Các loại nhà có vật liệu trang trí cao cấp, các công trình cổ; Các công trình văn hóa, di tích lịch sử, nhà thờ, đình, am, chùa có giá trị về mặt kỹ thuật, mỹ thuật thẩm mỹ cao. 

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Đối với phương án, dự toán bồi thường, hỗ trợ nhà, công trình kiến trúc được lập, phê duyệt trước thời điểm Quyết định có hiệu lực thi hành thì áp dụng theo Bảng đơn giá được cấp có thẩm quyền ban hành và có hiệu lực trong quá trình lập, phê duyệt phương án, dự toán. 

3. Tại Quyết định số 68/2023/QĐ-UBND ngày 20/12, UBND tỉnh ban hành Quy định về đơn giá cây trồng, vật nuôi là thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2024; Bảng năng suất và giá bán các sản phẩm của các loại cây trồng hàng năm; Đơn giá bồi thường, hỗ trợ đối với cây trồng lâu năm; Đơn giá bồi thường vật nuôi là thủy sản; Đơn giá các loại cây trồng để quản lý hoạt động mua bán, kinh doanh và thu thuế, các loại phí, lệ phí.

Quy định trên đơn giá bồi thường, hỗ trợ đối với cây trồng; đơn giá bồi thường đối với vật nuôi là thủy sản làm cơ sở để xây dựng Phương án bồi thường, hỗ trợ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh năm 2024; Quy định đơn giá cây trồng để quản lý hoạt động mua bán, kinh doanh các loại cây trồng và thu thuế, các loại phí, lệ phí có liên quan trong năm 2024 theo quy định của pháp luật. 

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024. 

Phê duyệt bổ sung danh sách người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh năm 2024 

Tại Quyết định số 629/QĐ-UBND ngày 21/12, UBND tỉnh phê duyệt bổ sung danh sách và đưa ra khỏi danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh năm 2024, cụ thể: Đưa ra khỏi danh sách người 55 người; Bổ sung 53 người vào danh sách người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh năm 2024. 

Danh sách người có uy tín trong đồng bào DTTS được phê duyệt bổ sung tại Quyết định là cơ sở để thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ. 

Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm 

Triển khai yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại Công văn số 4470/UBND-NNTN ngày 22/12, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý và kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật. 

Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến trên địa bàn quản lý nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hành tốt quy trình giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật để bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo quy định; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không sử dụng các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. 

Đánh giá cụ thể tình trạng giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; Thành lập các Đoàn công tác để tổ chức kiểm tra, xác định rõ những tồn tại, bất cập nhằm có giải pháp khắc phục kịp thời, có hiệu quả trong công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong công tác quản lý giết mổ động vật theo đúng quy định... 

Bảo đảm TTATGT trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024 

Tại Công văn số 4465/UBND-HTKT ngày 22/12, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật về ATGT; cập nhật kịp thời tình hình trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết và tại khu vực diễn ra Lễ hội xuân trong các bản tin thời sự, trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình TTAGTGT để phối hợp giải quyết, khắc phục kịp thời các sự cố, tai nạn giao thông. 

Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; Có phương án dự phòng nhằm tổ chức, điều tiết giao thông, bố trí lực lượng và phương tiện sẵn sàng giải tỏa, cứu nạn kịp thời khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông hoặc các sự cố khác về TTATGT. 

Bâng cao năng lực, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết; tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm lòng đường, lề đường, hành lang an toàn đường bộ, kiểm soát tải trọng xe; kiểm tra xử lý các hành vi tự ý tăng giá vé, thu giá vé sai quy định; 

Tăng cường lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và nguồn máu dự phòng để đảm bảo khả năng cao nhất trong việc cấp cứu, điều trị nạn nhân tai nạn giao thông, giảm thiểu thiệt hại về người; tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trong hoạt động giao thông vận tải...

 

 

Thanh Huyền-IpcKonTum
Số lượt xem:180

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 68 Số người online:
TNC Phát triển: