Những kết quả đạt được của công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 25 - 29/9/2023
Quy định thu hồi đất không đưa vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; Nghiêm cấm phân phối vé xổ số bằng hình thức online; Ban hành Danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù thuộc các chương MTQG trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025; Yêu cầu chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ; Chỉ đạo tăng cường hiệu lực và nâng cao hiệu quả trong công tác QLNN đối với Cụm công nghiệp; Phê duyệt Đề án Tổ chức Festival Sâm Ngọc Linh - Kon Tum, Việt Nam; Chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 25 - 29/9/2023.
Quy định thu hồi đất không đưa vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề
Tại Quyết định số 52/2023/QĐ-UBND ngày 25/9/2023, UBND tỉnh ban hành Quy định cụ thể việc thu hồi đất trong trường hợp bên thuê đất, thuê lại đất thực hiện dự án đầu tư trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh mà không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất theo quy định tại khoản 7, khoản 8 Điều 51 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (đã được sửa đổi, bổ sung theo khoản 36 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai).
Quyết định không áp dụng đối với trường hợp bất khả kháng quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ và trường hợp doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề áp dụng biện pháp đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê đất, thuê lại đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/10/2023.
Nghiêm cấm phân phối vé xổ số bằng hình thức online
Thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính về việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh xổ số của Công ty Xổ số kiến thiết, tại Công văn số 3225/UBND-KTTH ngày 25/9/2023, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc các nội dung về cung cấp dịch vụ liên quan đến kinh doanh xổ số, hoạt động phân phối vé xổ số kiến thiết qua Internet theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Yêu cầu Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Kon Tum triển khai đến các đại lý kinh doanh xổ số kiến thiết trên địa bàn về việc chỉ được phép phân phối thông qua phương thức bán trực tiếp cho khách hàng và thông qua hệ thống đại lý xổ số; không được phân phối qua các kênh điện thoại (cố định, di động), các thiết bị điện tử, internet và phương tiện viễn thông khác. Nghiêm túc thực hiện rà soát ký Hợp đồng với đại lý xổ số có đủ điều kiện làm đại lý xổ số, Hợp đồng đại lý phải bảo đảm đầy đủ nội dung theo quy định; nghiêm cấm cho đại lý nợ quá thời hạn thanh toán tiền bán vé xổ số và đại lý không bảo đảm tỷ lệ thanh toán tiền bán vé xổ số đối với Công ty theo quy định pháp luật.
Giao các cơ quan liên quan rà soát, theo dõi, kịp thời tham mưu kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy, tiếp tục bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm mới Kiểm soát viên tại Công ty đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của Công ty nhằm kịp thời phát hiện, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh của Công ty (nếu có).
Ban hành Danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù thuộc các chương MTQG trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025
Tại Quyết định số 53/2023/QĐ-UBND ngày 25/9, UBND tỉnh ban hành Danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, gồm: (1) Cứng hóa công trình giao thông đến thôn (đường trục thôn; đường liên thôn; đường ngõ xóm; đường trục chính nội đồng - không áp dụng đối với các dự án, công trình giao thông từ huyện đến xã, liên xã); (2) Kiên cố hóa kênh mương nội đồng (những tuyến kênh mương do UBND xã quản lý); (3) Công trình thủy lợi nhỏ: Hồ trữ nước; (4) Hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; (5) Nhà văn hóa cấp xã; (6) Nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn (nhà rông, nhà sàn truyền thống của đồng bào DTTS, hội trường sinh hoạt văn hóa của đồng bào người kinh); (7) Sân thể thao thôn, xã (sân bóng đá, bóng chuyền...); (8) Phòng học mầm non (bao gồm nhà vệ sinh) được xây ở các thôn (điểm trường lẻ của thôn); (9) Phòng học bậc tiểu học (bao gồm nhà vệ sinh) được xây dựng ở các thôn (điểm trường lẻ của thôn).
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và bãi bỏ Quyết định số 528/QĐ-UBND ngày 17/8/2022 của UBND tỉnh ban hành Danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù thuộc các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2021-2025.
Yêu cầu chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh, tại Công văn số 3221/UBND-KGVX ngày 25/9, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền; chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời cho các đơn vị, địa phương có bệnh nhân để triển khai các biện pháp phòng bệnh; chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc và vật tư, hóa chất, thiết bị phòng, chống dịch; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với ngành Y tế thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường và thông báo ngay cho cơ sở y tế địa phương khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non cần đảm bảo vệ sinh trường học, giáo viên hướng dẫn và giúp trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đảm bảo mỗi trẻ có một khăn mặt riêng, rửa mặt bằng nước sạch, rửa tay bằng nước sạch với xà phòng, không dùng tay dụi vào mắt.
Các cơ quan thông tin, tuyên truyền chủ động phối hợp với ngành Y tế tăng cường tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng; thường xuyên phát các thông điệp, khuyến cáo cộng đồng trên phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ của Bộ Y tế.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với ngành Y tế triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ tại địa phương, đặc biệt tập trung vào các khu vực có số mắc cao; tăng cường công tác tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ và các biện pháp phòng, chống tại cộng đồng. Vận động các đơn vị, đoàn thể, lực lượng cán bộ tại các tổ dân phố, thôn, làng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch, hướng dẫn các biện pháp tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh.
Chỉ đạo tăng cường hiệu lực và nâng cao hiệu quả trong công tác QLNN đối với Cụm công nghiệp
Để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém, từng bước nâng cao hiệu quả trong công tác QLNN đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tại Công văn số 3228/UBND-HTKT ngày 26/9, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố:
Đối với các cụm công nghiệp đã thành lập nhưng chưa đi vào hoạt động, rà soát, phê duyệt quy hoạch chi tiết đúng quy định, triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa, quản lý đất đai theo quy hoạch, có giải pháp cụ thể để sớm đưa Cụm công nghiệp đi vào hoạt động.
Đối với các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp; Giải quyết dứt điểm các tổ chức, cá nhân đã thuê đất trong Cụm công nghiệp nhưng chậm triển khai dự án theo tiến độ cam kết hoặc sang nhượng trái phép để có biện pháp xử lý; Đề xuất giải pháp đầu tư hạ tầng đồng bộ, hệ thống xử lý nước thải chung của Cụm công nghiệp theo quy định; Chỉ đạo các phòng, đơn vị và UBND cấp xã hỗ trợ thực hiện công tác thu hồi đất, thuê đất, đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục triển khai đầu tư vào Cụm công nghiệp tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư vào Cụm công nghiệp.
Giao Sở Công Thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về Cụm công nghiệp; kịp thời xử lý hoặc đề xuất UBND tỉnh xử lý vi phạm vấn đề phát sinh về công tác quản lý Cụm công nghiệp; Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thanh tra chuyên ngành thực hiện công tác phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong Cụm công nghiệp.
Phê duyệt Đề án Tổ chức Festival Sâm Ngọc Linh - Kon Tum, Việt Nam
Tại Quyết định số 555/QĐ-UBND ngày 27/9/2023, UBND tỉnh phê duyệt Đề án Tổ chức Festival Sâm Ngọc Linh - Kon Tum, Việt Nam (Festival Sâm Ngọc Linh) với mục tiêu 02 năm/01 lần nhằm tạo nên một sự kiện có thời gian định kỳ tại tỉnh.
Đây vừa là một hoạt động kinh tế, vừa mang tính chất một lễ hội của vùng đất Kon Tum giàu truyền thống, đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa có bản sắc riêng gắn với rừng của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thúc đẩy công tác bảo tồn khai thác tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch một cách hợp lý, tạo động lực thu hút đầu tư đưa các sản phẩm của cây Sâm Ngọc Linh, các sản phẩm dược liệu khác trở thành những sản phẩm có thương hiệu, đồng thời tạo ra các sản phẩm du lịch gắn với cây Sâm Ngọc Linh. Góp phần phát triển các sản phẩm của cây Sâm Ngọc Linh, các sản phẩm dược liệu khác trở thành những sản phẩm có thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho tỉnh Kon Tum.
Lựa chọn các lễ hội truyền thống của địa phương, kết hợp tổ chức các sự kiện trong các dịp tổ chức Festival Sâm Ngọc Linh định kỳ nhằm giáo dục ý thức bảo tồn phát triển các giá trị truyền thống và tuyên truyền quảng bá văn hóa, ẩm thực, tăng cường hội nhập quốc tế thông qua các sản phẩm chủ lực của tỉnh là cây Sâm Ngọc Linh. Khai thác lợi thế, tiềm năng tài nguyên du lịch địa phương để tạo ra sản phẩm du lịch mới, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm...
Chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng
Tại Công văn số 3268/UBND-NC ngày 28/9, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thành viên cụm, khối thi đua thuộc tỉnh khắc phục tình trạng cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền đặc biệt là người đứng đầu nhận thức chưa đúng về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng; chậm nắm bắt thực tiễn để phát động phong trào thi đua hoặc chưa quan tâm đúng mức đến công tác bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến.
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ để nâng cao năng lực, kiến thức, trình độ đội ngũ công chức, người làm công tác thi đua, khen thưởng để thực hiện công tác tham mưu có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng ở địa phương, đơn vị.
Kiên quyết và kịp thời đề nghị hủy bỏ quyết định khen thưởng, thu hồi hiện vật, tiền thưởng theo quy định đối với những trường hợp gian dối trong việc kê khai thành tích để được khen thưởng; những trường hợp đã được khen thưởng mà sau đó có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc có sai phạm, khuyết điểm trong khoảng thời gian tính thành tích đề nghị khen thưởng.
Giao Sở Nội vụ tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định về công tác thi đua, khen thưởng; kịp thời tham mưu điều chỉnh, bổ sung một số tiêu chí thi đua trong hoạt động của cụm, khối thi đua để phù hợp hơn với thực tiễn; định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp báo cáo, tham mưu UBND tỉnh việc triển khai nội dung trên đảm bảo theo đúng quy định hiện hành.