banner
Thứ 2, ngày 21 tháng 4 năm 2025
Quy hoạch và phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm
2-3-2022

Quy hoạch và phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm

CT

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban ký Văn bản số 1190/TB-BNNPTNT-VP về việc thông báo ý kiến kết luận của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Hội nghị triển khai xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ xuất khẩu.

Theo đó, ngày 26 tháng 02 năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) động vật phục vụ xuất khẩu. Sau khi nghe báo cáo của Cục Thú y, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Phước, các tỉnh, thành phố khác, các doanh nghiệp và ý kiến của đại biểu dự họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kết luận và chỉ đạo như sau:

Về kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và công tác xây dựng vùng, chuỗi ATDB động vật trong năm 2021

Trong năm 2021, ngành Thú y và các địa phương đã triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội; đã cơ bản kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, tạo thuận lợi cho phát triển chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm từ động vật…

Công tác xây dựng chuỗi, vùng ATDB trong những năm qua đã được các địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi quan tâm, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ. Kết quả, đến tháng 02/2022 cả nước có trên 3.500 lượt cơ sở, vùng được chứng nhận ATDB với một và nhiều bệnh động vật. Tuy nhiên, chưa có cơ sở, vùng đạt ATDB theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), việc xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam sang các nước còn hạn chế.

Nhằm xây dựng thành công các chuỗi, vùng chăn nuôi tại khu vực Đông Nam bộ đạt ATDB theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của OIE; từ đó nhân rộng mô hình, vận dụng xây dựng các vùng ATDB tại các địa phương khác trên phạm vi cả nước; tạo điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước, thúc đẩy tăng nhanh xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật; đề nghị các địa phương, các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như sau:

Đối với UBND các tỉnh, thành phố:

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương và các doanh nghiệp có hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành phố tổ chức nghiên cứu kỹ các quy định của Việt Nam, quy định của OIE và yêu cầu của các nước nhập khẩu để xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi ATDB hướng đến xuất khẩu.

Quy hoạch và phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại.

Xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí kinh phí đầu tư để thực hiện được các giải pháp kỹ thuật (công tác tiêm phòng, giám sát, thẩm định điều kiện ATDB, ...); hỗ trợ tiêm phòng, tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh; phát triển, củng cố mạng lưới thú y cơ sở với các cơ chế, chính sách phù hợp cho việc duy trì các hoạt động thú y nhằm xây dựng, duy trì vùng, chuỗi ATDB; ưu đãi đối với công tác hỗ trợ xây dựng hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng và kiểm soát dịch bệnh đảm bảo không để phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là đối với các dịch bệnh nguy hiểm, có ảnh hưởng đến thương mại động vật và sản phẩm động vật theo khuyến cáo của OIE.

Duy trì, kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y, Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Hàng năm bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật; trong đó có kinh phí hỗ trợ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; chủ động lấy mẫu giám sát các bệnh trên gia súc, gia cầm tại các vùng xung quanh chuỗi sản xuất sản phẩm động vật phục vụ xuất khẩu.

Xây dựng và triển khai chương trình truyền thông đối với các đối tượng liên quan về quyền lợi, trách nhiệm trong việc xây dựng vùng, cơ sở ATDB…

Ngoài ra, tại Thông báo kết luận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi cần tiếp tục duy trì các cơ sở chăn nuôi ATDB; tổ chức đánh giá và lấy mẫu giám sát định kỳ hàng năm, bảo đảm yêu cầu tiến tới công nhận ATDB theo quy định của Việt Nam, theo tiêu chuẩn của OIE đối với các cơ sở chăn nuôi hướng đến xuất khẩu; động phối hợp với cơ quan chuyên môn thú y các cấp và các đơn vị liên quan của địa phương để lập kế hoạch và triển khai xây dựng chuỗi chăn nuôi ATDB…

Giao Cục Thú y:

Thành lập các tổ công tác để trực tiếp đến các địa phương, các doanh nghiệp hướng dẫn xây dựng thành công chuỗi chăn nuôi, vùng chăn nuôi ATDB để có thể xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định về cơ sở, vùng ATDB; quy định về chăn nuôi ATDB; quy định về kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào vùng ATDB; quy định kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y trong vùng ATDB; quy định về quản lý thông tin, dữ liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật.

Tổ chức tập huấn về quy định, chuyên môn, kỹ thuật trong quá trình thực hiện xây dựng chuỗi, vùng ATDB.

Hỗ trợ thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong việc xây dựng cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến đáp ứng các tiêu chuẩn của OIE và yêu cầu của các nước; tổ chức giám sát dịch bệnh để bảo đảm các vùng chăn nuôi Đông Nam bộ đạt yêu cầu ATDB theo tiêu chuẩn của OIE.

Hướng dẫn cụ thể việc thiết kế và thực hiện các kế hoạch an toàn sinh học, kế hoạch giám sát dịch bệnh, quản lý thông tin, truy xuất nguồn gốc theo đúng tiêu chuẩn của OIE và yêu cầu của các nước; bao gồm cơ sở giết mổ, chế biến đạt chuẩn và đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu.

Phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm bảo đảm xây dựng thành công chuỗi, vùng ATDB theo quy định của OIE để có thể xuất khẩu sang các nước.

Trao đổi, thống nhất và mời đại diện của OIE, các nước sang Việt Nam phối hợp, hướng dẫn xây dựng thành công các chuỗi, vùng chăn nuôi ATDB theo tiêu chuẩn của OIE và yêu cầu của các nước.

Tăng cường hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, đàm phán về yêu cầu thú y và an toàn thực phẩm với các cơ quan có thẩm quyền của các nước để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm.

 

Diễm Hằng - ipcKonTum
Số lượt xem:620

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467716 Tổng số người truy cập: 57 Số người online:
TNC Phát triển: