banner
Thứ 7, ngày 21 tháng 9 năm 2024
Tăng cường và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu thực phẩm, phòng chống nhập lậu
16-9-2023

Tăng cường và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu thực phẩm, phòng chống nhập lậu

Ngày 16/9, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 382/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm

Theo đó, chiều ngày 08 tháng 9 năm 2023, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo. Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Bộ Y tế về công tác an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, báo cáo về tổng kết mô hình thí điểm Ban quản lý an toàn thực phẩm tại một số địa phương và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng Ban chỉ đạo có ý kiến như sau: 

Bộ Y tế với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã chuẩn bị báo cáo có chất lượng. Tuy nhiên, Bộ Y tế cần tiếp tục hoàn thiện Báo cáo, trong đó có cập nhật tình hình, kết quả công tác quản lý an toàn thực phẩm đến thời điểm hiện tại, có số liệu để so sánh, đánh giá với thời gian trước, chú ý nêu các vấn đề mới cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 9 năm 2023. 

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian còn lại của năm 2023

Rà soát lại toàn bộ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm trong tất cả các khâu (từ sản xuất đến tiêu dùng), trong đó: 

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tư pháp thực hiện việc đánh giá, tổng kết thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật An toàn thực phẩm, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung theo quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiến hành rà soát, đánh giá các Nghị định, Thông tư có liên quan để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm phù hợp với yêu cầu quản lý an toàn thực phẩm hiện nay, trong đó chú trọng các quy định về phân công trách nhiệm quản lý cho rõ ràng, tránh trùng chéo; đẩy mạnh hài hòa hóa các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với thực phẩm phù hợp với quy định và thông lệ quốc tế; thực hiện có hiệu quả các biện pháp như truy xuất nguồn gốc, công bố sản phẩm, hậu kiểm, thông tin tuyên truyền; phát huy vai trò của người dân trong giám sát thực hiện an toàn thực phẩm; áp dụng mức chế tài phù hợp, bảo đảm tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm. 

Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam rà soát, hoàn thiện các quy định về trách nhiệm của người quảng cáo, người phát hành quảng cáo, sản phẩm quảng cáo thực phẩm (trong đó có trách nhiệm của nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia quảng cáo); kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm trong quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng. 

Các lực lượng chức năng thuộc các Bộ: Công an, Quốc phòng (biên phòng, cảnh sát biển), Công Thương (Quản lý thị trường), Tài chính (Hải quan) tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu thực phẩm, phòng chống nhập lậu và các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn. 

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; kịp thời có đánh giá, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền của Trung ương về chính sách, biện pháp quản lý an toàn thực phẩm. 

Về vấn đề tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Bộ Y tế với chức năng là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm phải có đánh giá kỹ lưỡng về hiệulực, hiệu quả của phương thức quản lý, chất lượng nhân lực, công cụ, trang bị, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay, làm rõ các vấn đề tích cực, hạn chế, nhất là đối với cơ quan quản lý tại địa phương, cơ sở để trên cơ sở đó đề xuất phương thức quản lý phù hợp yêu cầu quản lý hiện nay. Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, các bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có liên quan tổng kết mô hình thí điểm Ban quản lý an toàn thực phẩm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2023. Điều chỉnh cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Tham mưu Chính phủ kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương” tại Quyết định số 426/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2023 từ Bộ Nội vụ sang Bộ Y tế; Bộ Nội vụ phối hợp thực hiện nhiệm vụ này./.

 

 

Diễm Hằng - ipckontum
Số lượt xem:147

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 57 Số người online:
TNC Phát triển: