banner
Thứ 7, ngày 21 tháng 9 năm 2024
Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 05 - 08/9/2023
12-9-2023

Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nổi bật tuần từ ngày 05 - 08/9/2023

Triển khai nhiệm vụ trọng tâm đối với giáo dục, đào tạo năm học 2023-2024; Tập trung triển khai các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA; Định mức KTKT dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN trong lĩnh vực Công Thương; Triển khai các giải pháp về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng NTM; Tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; Quy chế tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai; Định mức đất ở, đất sản xuất làm căn cứ xác định hộ gia đình không có đất ở, thiếu đất sản xuất; Triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2023; 39 TTHC được thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết không phụ thuộc vào địa giới hành chính; Định mức đất ở, đất sản xuất làm căn cứ xác định hộ gia đình không có đất ở, thiếu đất sản xuất; Quy định quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ thuộc hệ thống đường địa phương... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh từ ngày 05 - 08/9/2023.

Triển khai nhiệm vụ trọng tâm đối với giáo dục, đào tạo năm học 2023-2024 

Ngày 05/9, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2891/UBND-KGVX chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023 - 2024 của ngành Giáo dục. Theo đó, giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan các địa phương: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục; Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo đảm bảo huy động học sinh ra lớp; Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh; Tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong toàn Ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục... 

Giao các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khia thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ liên quan... 

Tập trung triển khai các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA 

Triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về kết quả giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tại Công văn số 2902/UBND-KTTH ngày 05/9, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Chủ chương trình, dự án sử dụng vốn ODA trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài để kịp thời có khối lượng thực hiện giải ngân. 

Chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan (tư vấn, nhà thầu) theo các nguồn vốn (vay, viện trợ, đối ứng), bảo đảm việc thực hiện thông suốt, chủ động phát hiện các vướng mắc để xử lý kịp thời hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo. 

Trong công tác xây dựng kế hoạch năm 2024, cần tính toán chính xác các yếu tố tác động đến tiến độ triển khai dự án, phần kế hoạch đã bị hủy các năm trước để xây dựng kế hoạch phù hợp. Tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài, bảo đảm bố trí đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực, trình độ chuyên môn cao. 

Phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan để kịp thời trao đổi với nhà tài trợ trong trường hợp có vướng mắc phát sinh, đặc biệt là các dự án có thay đổi, điều chỉnh hiệp định vay để sớm báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh. 

Văn bản xác định, người đứng đầu các chủ chương trình, dự án chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo kế hoạch được giao và hiệu quả sử dụng vốn vay. 

Định mức KTKT dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN trong lĩnh vực Công Thương 

Tại Quyết định số 46/2023/QĐ-UBND ngày 05/9, UBND tỉnh ban hành Quy định một số định mức kinh tế - kỹ thuật (KTKT) dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) đối với các dịch vụ thuộc lĩnh vực khuyến công và lĩnh vực xúc tiến thương mại, gồm: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; Hỗ trợ tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; Tham gia hội chợ, triển lãm; Tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; Hỗ trợ “Điểm bán hàng Việt cố định”, “Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP”; Tổ chức, tham gia hội nghị kết nối giao thương; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm của tỉnh. 

Đây là các định mức KTTH làm cơ sở để xác định đơn giá một số dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực Công Thương trên địa bàn tỉnh có sử dụng kinh phí theo phương thức đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ sử dụng NSNN trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh khuyến khích cơ quan, tổ chức và cá nhân không sử dụng NSNN trên địa bàn tỉnh áp dụng định mức KTKT các dịch vụ trong lĩnh vực Công Thương ban hành kèm theo Quyết định này. 

Triển khai các giải pháp về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng NTM 

Nhằm tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành về thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, tại Công văn số 2917/UBND-NNTN ngày 06/9, UBND tỉnh giao các cơ quan liên quan rà soát, tham mưu bổ sung các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư và phát triển lĩnh có liên quan đến phát triển du lịch nông thôn; đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn trên các phương tiện truyền thông và các diễn đàn, hội chợ, hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; Rà soát, đánh giá, lựa chọn sản phẩm OCOP nhóm “dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch”; thí điểm các mô hình du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững trên địa bàn tỉnh; Hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở hoàn thiện hồ sơ tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, giới thiệu thúc đẩy bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, tinh hoa của các mặt hàng thủ công mỹ nghệ Kon Tum... 

Giao UBND các huyện, thành phố chủ động rà soát, nghiên cứu về quy hoạch, địa lý địa hình, văn hóa, con người, sản phẩm địa phương để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn và chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn. Xây dựng mỗi huyện, thành phố có ít nhất một mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm NTM gắn với giá trị di sản văn hóa - lịch sử (cả vật thể và phi vật thể) trên địa bàn để hòa nhập vào hệ thống tour, tuyến du lịch của tỉnh và khu vực; Phát triển sản phẩm du lịch và các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn; Khuyến khích xây dưng sản phẩm “dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch” theo Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP... 

Tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về phân loại vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản khác, tại Công văn số 2930/UBND-NNTN ngày 06/9, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về hoạt động khoáng sản;  Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã phê duyệt; nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát sỏi, lợi dụng việc thi công xây dựng công trình để khai thác, sử dụng khoáng sản trái pháp luật (đặc biệt là đất san lấp, xây dựng công trình). 

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản đối với việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác có liên quan. Công khai xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi bao che, tiếp tay để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý, qua đó nâng cao nhận thức, khuyến khích Nhân dân trong công tác đấu tranh, tố giác tội phạm. 

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân, nhất là đối với hành vi khai thác khoáng sản không đúng thiết kế được duyệt; khai báo sai sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, khai thác vượt công suất, thực hiện không đúng nội dung giấy phép khai thác khoáng sản, hạn chế tối đa việc hoạt động khai thác khoáng sản làm mất an toàn, tác động lớn đến môi trường xung quanh, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến dòng chảy của sông và gây thất thoát cho ngân sách. 

Quy chế tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai 

Tại Quyết định số 47/2023/QĐ-UBND ngày 06/9, UBND tỉnh ban hành Quy chế tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh. 

Quy chế này Quy định nguyên tắc, trách nhiệm, quan hệ công tác và trình tự, thủ tục tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết và trả kết quả hồ sơ đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam trên địa bàn tỉnh Kon Tum. 

Theo quy định, việc tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục tuân thủ theo nguyên tắc lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan, đơn vị có thẩm quyền. 

Việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được quản lý tập trung, thống nhất tại bộ phận một cửa; tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đến liên hệ giải quyết TTHC chỉ làm việc với cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ làm đầu mối tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa. 

Giải quyết TTHC kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật, công bằng, bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch, an toàn thông tin và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền. 

Quá trình giải quyết TTHC được đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá bằng các phương thức khác nhau, có sự tham gia của tổ chức, cá nhân trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng CNTT; thực hiện quản lý tập trung trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh; số hóa thành phần hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC theo quy định... 

Định mức đất ở, đất sản xuất làm căn cứ xác định hộ gia đình không có đất ở, thiếu đất sản xuất 

Ngày 07/9, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 48/2023/QĐ-UBND Quy định định mức đất ở, đất sản xuất làm cơ sở xác định hộ gia đình chưa có đất ở; không có hoặc thiếu đất sản xuất để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I từ năm 2021-2025) trên địa bàn tỉnh. 

Hộ gia đình được xác định không có đất ở khi không có đất ở hoặc có đất ở nhưng diện tích đất nhỏ hơn 50m2. Về đất sản xuất, đối với hộ gia đình có từ 01 đến 04 nhân khẩu, đất rừng sản xuất 01ha, hoặc đất nương rẫy (bao gồm đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm và đất nông nghiệp khác) 0,5ha, hoặc đất trồng lúa nước 01 vụ 0,25ha, hoặc đất trồng lúa nước 02 vụ trở lên 0,15ha, hoặc đất nuôi trồng thủy sản 0,25ha. Đối với hộ gia đình có từ 05 nhân khẩu trở lên thì định mức quy định này nhân với hệ số 1,2. 

Trường hợp hộ gia đình có nhiều loại đất sản xuất, thực hiện cách tính quy đổi: Hộ gia đình có từ 02 loại đất sản xuất trở lên nhưng trong đó các loại đất đều có diện tích nhỏ hơn định mức tối thiểu thì được quy đổi thành đất rừng sản xuất để xác định hộ gia đình thiếu đất sản xuất. Tỷ lệ quy đổi: 01 m2 đất nương rẫy được quy đổi thành 02 m2 đất rừng sản xuất; 01 m2 đất ruộng lúa nước 01 vụ và 01 m2 đất nuôi trồng thủy sản được quy đổi thành 04 m2 đất rừng sản xuất; 01 m2 đất ruộng lúa nước 02 vụ được quy đổi thành 6,66 m2 đất rừng sản xuất. 

Triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2023 

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, tại Công văn số 2968/UBND-NNTN ngày 08/9, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp - PTNT và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2023 để phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, cụ thể: 

Chỉ đạo UBND cấp xã thành lập các tổ, đội thực hiện việc dọn dẹp vệ sinh và phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống, đường làng, ngõ xóm, khu nhốt giữ động vật, sản phẩm động vật, ... 

Tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi động vật tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm, ... chủ động bố trí kinh phí tổ chức thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại cơ sở và khu vực xung quanh dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y. 

Đối với các địa phương có đường biên giới quốc gia (Ngọc Hồi, Đăk Glei, Sa Thầy, Ia H'Drai) chỉ đạo tổ chức áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng tại khu vực đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn quản lý. 

Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, kịp thời phát hiện dịch bệnh và triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định. Đối với các địa phương đang xảy ra các ổ dịch bệnh trên động vật, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chính quyền cấp xã tập trung các nguồn lực nhằm xử lý dứt điểm các ổ dịch đang xảy ra, sớm khống chế và dập tắt, không để dịch bệnh tiếp tục lây lan và kéo dài. 

39 TTHC được thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết không phụ thuộc vào địa giới hành chính 

Ngày 08/9, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 511/QĐ-UBND phê duyệt 39 TTHC thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh (gồm 31 TTHC cấp tỉnh và 08 TTHC cấp huyện). 

Về tổ chức thực hiện, 31 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan cấp tỉnh sẽ được tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa cấp huyện và Bộ phận Một cửa cấp xã; đối với 08 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện sẽ được tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa của huyện và Bộ phận Một cửa cấp xã của địa bàn thực hiện TTHC đó. 

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh 

Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh và khai thác tối đa công năng sử dụng Hệ thống thiết bị phục vụ tách chiết, nhân bản, kiểm tra ADN và Hệ thống thiết bị kiểm định thành phần hoạt chất sinh học saponin Sâm Ngọc Linh; tại Công văn số 2982/UBND-NNTN ngày 08/9, UBND tỉnh giao các cơ quan liên quan và UBND các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông tiếp tục theo dõi, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển thương hiệu Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát liên quan hoạt động kinh doanh sản phẩm củ được bảo hộ cho sản phẩm “sâm củ” theo Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. 

Giao Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng việc tỉnh đã đầu tư, trang bị máy móc, thiết bị và dịch vụ xét nghiệm, kiểm định Sâm Ngọc Linh thật, giả cho các đối tượng khách hàng để biết, có nhu cầu đăng ký kiểm định chất lượng Sâm Ngọc Linh đảm bảo phù hợp, theo quy định; Nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, xây dựng Quy chế Quản lý, vận hành và khai thác, sử dụng Hệ thống;  xây dựng ban hành biểu phí, đơn giá dịch vụ và quy trình kiểm định, xét nghiệm đối với sản phẩm củ Sâm Ngọc Linh và các thủ tục khác có liên quan. 

Quy định quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ thuộc hệ thống đường địa phương trên địa bàn tỉnh 

Ngày 08/9, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 49/2023/QĐ-UBND Quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ thuộc hệ thống đường địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum. 

Quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ thuộc hệ thống đường địa phương bao gồm đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường chuyên dùng và các tuyến đường khác (không bao gồm đường đô thị) trên địa bàn tỉnh. Nhiệm vụ, phân cấp quản lý đường đô thị trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo quy định của UBND tỉnh về phân cấp quản lý đường đô thị. 

Sở Giao thông vận tải có thẩm quyền phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh quy trình bảo trì công trình đường bộ đối với công trình đã đưa vào khai thác đối với hệ thống đường được giao quản lý; UBND cấp huyện phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh quy trình bảo trì công trình đường bộ đối với công trình đã đưa vào khai thác đối với hệ thống đường huyện, đường xã do UBND cấp huyện, cấp xã quản lý. Đối với những trường hợp không thuộc quy định trên, chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân quản lý sử dụng công trình đường bộ có trách nhiệm phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh quy trình bảo trì công trình...

 

 

Ngọc Tú-ipckontum
Số lượt xem:203

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 55 Số người online:
TNC Phát triển: