banner
Thứ 5, ngày 19 tháng 9 năm 2024
Thu hút đầu tư từ kết quả 3 năm thực hiện Đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025
30-1-2024

Thu hút đầu tư từ kết quả 3 năm thực hiện Đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025

Thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”, các bộ ngành, địa phương đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện. Sau 3 năm thực hiện Đề án, cả nước đã trồng được 769.867.000 cây, đạt 121,4% so với kế hoạch 3 năm.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lũy kế kết quả sau 3 năm thực hiện Đề án, cả nước đã trồng được 769.867.000 cây, đạt 121,4% so với kế hoạch 3 năm, gồm: 344.510.000 cây xanh phân tán và trồng mới 435.357.000 cây xanh tập trung tương đương với 212.373 ha (24.320 ha rừng phòng hộ, 188.053 ha trồng mới rừng sản xuất). 

Một số địa phương trồng cây xanh đạt kết quả cao như các tỉnh: Lào Cai (61,64 triệu cây); Phú Thọ (52 triệu cây); Long An (45,32 triệu cây); Gia Lai (37,28 triệu cây); Nghệ An ( 34,38 triệu cây); nhiều địa phương trồng trên 20 triệu cây như: Lai Châu, Lâm Đồng, Kom Tum, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Yên Bái, Sơn La và Cà Mau. Các tỉnh trồng trên 15 triệu cây gồm có: Bắc Giang, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Trị, Phú Yên. 

Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tích cực hưởng ứng tham gia phong trào trồng cây xanh như: Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều đợt cao điểm triển khai trên toàn quốc với 49,2 triệu cây xanh được trồng; Bộ Quốc phòng tổ chức trồng cây trong khuôn viên doanh trại, trồng rừng trên diện tích đất được giao quản lý được trên 9,58 triệu cây phân tán (không kể cây ăn quả các loại) và hơn 4.809 ha rừng trồng. Bộ Công an trồng được gần 328 ngàn cây trong các đơn vị; Bộ Giao thông vận tải trồng được 160 ngàn cây trong hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa và hàng hải; Bộ Giáo dục, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và các trường học để phát triển phong trào trồng cây trên cả nước. 

Nhiều tỉnh và các Bộ ngành có cách làm hay, các hoạt động sáng tạo trong tuyên truyền, vận động, huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân thực hiện trồng rừng và trồng cây xanh, điển hình như: 

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai công tác tuyên truyền phát động Tết trồng cây, chương trình: Vì một Việt Nam xanh, Ngày Chủ nhật xanh, Ngày môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Tháng Thanh niên, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè.... đặc biệt, Trung ương Đoàn đã xây dựng và vận hành bản đồ số “Vì một Việt Nam xanh” để tạo kênh thông tin giới thiệu về rừng và hoạt động trồng rừng, trồng cây xanh nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh thiếu niên và nhân dân về vai trò của rừng, vấn đề bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp nguồn lực để cùng với tỉnh thực hiện mục tiêu trồng mới 2 triệu cây xanh phân tán và 3 triệu cây xanh trồng rừng phòng hộ, với lời kêu gọi đó, tỉnh Quảng Ngãi đến nay đã huy động sự đóng góp vào “Quỹ trồng cây xanh” khoảng 5,735 tỷ đồng (với hơn 770 triệu tiền mặt và 127.000 cây xanh, trị giá 4,965 tỷ đồng). 

Tỉnh Thái Nguyên đang xây dựng phần mềm quản lý cây xanh, bản đồ số về cây xanh trên phạm vi toàn tỉnh mang tên “Thai Nguyen Smart Trees” giúp người dùng dễ dàng tra cứu thông tin về cây xanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. 

Tỉnh Hà Giang với mô hình thỏa thuận hợp tác giữa huyện Mèo Vạc với Trung tâm Tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai xây dựng kế hoạch trồng 1 triệu cây xanh phục hồi rừng đầu nguồn giai đoạn 2021 -2025. Chương trình “ Sống khỏe góp xanh” chung sức trồng 1 tỷ cây xanh Vì một Việt Nam xanh do Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường phối hợp hỗ trợ cùng Ban quản lý rừng đặc dụng Du Già tổ chức thực hiện thực hiện trồng rừng được 10.000 cây đa tác dụng. 

Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) đã xây dựng Dự án “Trồng và Phục hồi Rừng đầu nguồn Sông Gianh”, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, vận động các nguồn lực xã hội và cộng đồng trồng và khôi phục rừng tự nhiên với thông điệp “Góp 1 cây để có rừng”, công ty đã phối hợp cùng với địa phương tổ chức cho 360 chủ rừng trồng 532,11 ha (527,11 rừng sản xuất và 5,0 ha rừng đặc dụng), với số cây là 591.174 cây bản địa. 

Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên GAIA đã kêu gọi và tiếp nhận nguồn tiền đóng góp từ các doanh nghiệp, cá nhân trong nước để trồng, chăm sóc rừng tại các Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên để nâng cao nhận thức và khích lệ sự tham gia của mọi người. Trung tâm đã nhận được sự tài trợ và tham gia của 102 doanh nghiệp, 5.298 cá nhân, nhóm và đã tổ chức trồng được trên 682.045 cây tương đương với 323,4 ha, trong đó có 110 ha khoanh nuôi tái sinh tự nhiên rừng ngập mặn tại Cà Mau. 

Ngoài ra, còn rất nhiều mô hình hay, sáng tạo như: Ngân hàng Agribank tổ chức chương trình trồng cây xanh với chủ đề “Agribank vì tương lai xanh - Thêm cây thêm sự sống”; Chương trình “Một triệu cây xanh cho Việt Nam” của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam; “Chung tay xanh hóa học đường” của Công ty Toyota Việt Nam; “Hành động vì một Việt Nam xanh” của Công ty TNHH Unilever Việt Nam; “Sống khỏe góp xanh cùng Panasonic” của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam, Thầy trò Trường Marie Curie Hà Nội, các Công ty lâm nghiệp và rất nhiều tổ chức, cá nhân khác có các hoạt động tích cực, ý nghĩa nhằm bảo vệ, phát triển rừng và trồng cây xanh trên khắp mọi miền của tổ quốc. 

Kết quả phát động “Tết trồng cây” 

Ngày 30/12/2021, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Chỉ thị số 9095/CT-BNN-TCLN về tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Nhâm Dần và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng năm 2022; phối hợp với tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Nhâm Dần 2022 tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát động Tết trồng cây. Hưởng ứng Lễ phát động, đến hết tháng 3/2022, cả nước có trên 30 địa phương (chủ yếu các tỉnh, thành phố phía Bắc) tổ chức phát động “Tết trồng cây”; kết quả đã trồng mới trên 4 ngàn ha rừng tập trung (tương đương 6,5 triệu cây) và 25 triệu cây trồng phân tán. 

Ngày 23/12/2022 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Chỉ thị số 8733/CT-BNN-TCLN, về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Quý Mão và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng năm 2023. Trong dịp đầu Xuân Quý Mão, nhiều bộ ngành, địa phương đã tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” ở địa phương, đơn vị và mời các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tham dự, phát động. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phát động “Tết trồng cây” tại tại Khu di tích K9 - Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự lễ phát động thi đua và tham gia “Tết trồng cây” tại tỉnh Tuyên Quang,… Đến hết tháng 01/2023 cả nước (chủ yếu các tỉnh phía Bắc và Trung bộ đang trong thời vụ trồng cây, trồng rừng) đã chuẩn bị được hơn 170 triệu cây giống, trồng được gần 3.300 ha rừng và 3,1 triệu cây xanh phân tán, chăm sóc 126 ngàn ha rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh hơn 40 ngàn ha rừng. 

Huy động được nhiều nguồn lực tham gia thực hiện: Tổng số nguồn vốn huy động thực hiện Đề án trong 3 năm (năm 2021-2023) là 9.448.925 triệu đồng, trong đó: 2.250.511 triệu đồng vốn ngân sách nhà nước (chiếm 23,8%) và 4.111.346 triệu đồng từ vốn vốn xã hội hóa (chiếm 43,5%), vốn ODA và nguồn vốn khác: 3.087.068 triệu đồng chiếm 32,67%.

 

Vốn ngân sách Nhà nước được thực hiện lồng ghép với các chương trình đầu tư công của nhà nước như: Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình hỗ trợ thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Các dự án phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng khu công nghiệp, công sở, làm đường giao thông; các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác,… 

Vốn ODA: từ các dự án hợp tác quốc tế, vốn vay của Chính phủ từ các Ngân hàng quốc tế. 

Nguồn vốn xã hội hóa, gồm: Vốn đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng cây xanh thông qua các dự án tài trợ hoặc sáng kiến thành lập quỹ trồng cây xanh của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, tập đoàn kinh tế. Kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế. 

Vốn khác: từ Quỹ môi trường rừng cho các dự án trồng rừng thay thế và các nguồn vốn vốn hợp pháp khác. 

Ngoài sự đóng góp về vốn để mua vật tư, cây giống còn có sự đóng góp về nguồn lực lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh điển hình như Bộ Quốc phòng đã huy động 329.000 ngày công của bộ đội tham gia./.

 

 

Diệu Linh - Ipckontum
Số lượt xem:235

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 119 Số người online:
TNC Phát triển: