banner
Thứ 4, ngày 24 tháng 4 năm 2024
Tỉnh Kon Tum vùng phát triển dược liệu trọng điểm của cả nước
11-3-2022

Tỉnh Kon Tum vùng phát triển dược liệu trọng điểm của cả nước

CT

"Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để không xảy ra tình trạng Sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường; đồng thời triển khai các giải pháp để xây dựng tỉnh Kon Tum thành vùng phát triển dược liệu trọng điểm của cả nước" - Đây là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XII vừa qua.

Đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu là chủ trương lớn của tỉnh, vì vậy nhiều chính sách ưu tiên đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu đã được ban hành áp dụng nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực vào đầu tư.

Kết quả sau hơn 3 năm thực hiện chính sách đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có gần 1.160 ha Sâm Ngọc Linh và gần 2.700ha cây dược liệu khác, được trồng chủ yếu tại 3 vùng dược liệu trọng điểm của tỉnh là huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông.

Để đạt được mục tiêu xây dựng tỉnh Kon Tum thành vùng phát triển dược liệu trọng điểm của cả nước, UBND tỉnh đã có quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển dược liệu, lộ trình và nguồn vốn đầu tư từng năm cho các địa phương trong vùng trọng điểm dược liệu.

Cụ thể, về quy hoạch: Quy hoạch vùng phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu với tổng diện tích quy hoạch 31.742,8 ha, thuộc địa bàn 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông; trong đó,  quy hoạch vùng đệm 14.754,5 ha (độ cao từ 1200 m - 1500 m) và vùng lõi (vùng trồng sâm) 16.988,3 ha.

 

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành và địa phương tiếp tục rà soát các vùng lân cận có khả năng trồng Sâm Ngọc Linh và dược liệu để bổ sung quy hoạch. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ về Phương án thí điểm trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu dưới tán rừng đặc dụng kết hợp với bảo vệ rừng bền vững trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Về vốn đầu tư: UBND tỉnh hỗ trợ huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Glei mua giống cấp cho người dân trên địa bàn trồng và phát triển sâm Ngọc Linh và sử dụng, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương như: Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; cùng các nguồn vốn vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng để phục vụ công tác đầu tư trồng, chăm sóc, chế biến, liên kết tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm sâm Ngọc Linh.

Về giống và kỹ thuật: Chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết xây dựng nguồn giống từ trong cộng động người dân; Xây dựng các cơ sở, vườn ươm giống dược liệu và sâm Ngọc Linh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ nuôi cấy mô trong việc nhân giống. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương ưu tiên tổ chức các lớp tập huấn, khóa đào tạo cho người dân về các kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu.

Về xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ: Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm hiểu, kết nối, thu hút các doanh nghiệp lớn vào đầu tư chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh; đồng thời quảng bá các sản phẩm dược liệu của tỉnh đến các địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài.

Đặc biệt, để thu hút nhà đầu tư vào phát triển dược liệu, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi. Tiêu biểu như đối với dự án trồng sâm Ngọc Linh, hỗ trợ một phần chi phí cho nhà đầu tư sản xuất giống sâm Ngọc Linh để hỗ trợ lại giống cho hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư tham gia liên kết trồng sâm Ngọc Linh với nhà đầu tư. Mức hỗ trợ 50.000.000 đồng/ha sâm trồng liên kết, diện tích hỗ trợ không quá 10 ha/nhà đầu tư. Số lượng giống sâm Ngọc Linh thương phẩm được nhà đầu tư hỗ trợ là 500 cây/ha, mỗi gia đình, cá nhân được hỗ trợ một lần không quá 100 cây giống thương phẩm 

Đối với dự án trồng Đảng sâm và Đương quy, hỗ trợ một lần 50% chi phí mua cây giống cho hộ gia đình, cá nhân; hỗ trợ một lần cho hộ nghèo 100% chi phí mua cây giống, chi phí mua phân bón hữu cơ vi sinh theo định mức cho chu kỳ đầu tiên, diện tích hỗ trợ tối đa 1.000m2.

Về chính sách hỗ trợ về đất đai, miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh theo điểm b khoản 2 Điều 8 của Nghị định 65/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp có sự thay đổi chính sách về hỗ trợ đất đai tại Nghị định 65/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ thì được hỗ trợ theo quy định mới của Chính phủ.

Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 30/9/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra chỉ tiêu: Phấn đấu phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025, với diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha; các cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha, tức là mỗi năm trồng mới được ít nhất 2.000 ha cây dược liệu các loại.

 

 

Thanh Thúy - ipcKonTum
Số lượt xem:297

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 55 Số người online:
TNC Phát triển: