banner
Thứ 3, ngày 10 tháng 12 năm 2024
Tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và khó khăn, vướng mắc của 5 tỉnh Tây Nguyên
28-11-2024

Tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và khó khăn, vướng mắc của 5 tỉnh Tây Nguyên

Đến thời điểm ngày 13/11/2024, 05 tỉnh Tây Nguyên đã phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn đã phân bổ chi tiết của 05 địa phương là 26.113,333 tỷ đồng, trong đó: vốn NSTW 9.286,495 tỷ đồng và vốn NSĐP 16.826,838 tỷ đồng, đạt 119,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 

Về tình hình phân bổ và giả ngân vốn đầu tư công 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 05 tỉnh Tây Nguyên là 21.807,443 tỷ đồng, trong đó: vốn NSTW 9.286,495 tỷ đồng (vốn trong nước 8.920,918 tỷ đồng; vốn nước ngoài 365,577 tỷ đồng) và vốn NSĐP 12.520,948 tỷ đồng. 

Đến thời điểm báo cáo (ngày 13/11/2024), 05 địa phương đã phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn đã phân bổ chi tiết của 05 địa phương: 26.113,333 tỷ đồng, trong đó: vốn NSTW 9.286,495 tỷ đồng (vốn trong nước 8.920,918 tỷ đồng; vốn nước ngoài 365,577 tỷ đồng) và vốn NSĐP 16.826,838 tỷ đồng, đạt 119,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cơ bản các địa phương đều giao cao hơn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (do giao tăng phần ngân sách địa phương), một số địa phương giao tăng đáng kể như: Tỉnh Đắk Lắk phân bổ 7.042,062 tỷ đồng, đạt 129,74%% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; Tỉnh Kon Tum phân bổ 4.121,207 tỷ đồng, đạt 151,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 

Đến hết ngày 31/10/2024, tổng số vốn giải ngân của 05 địa phương: 10.547,069 tỷ đồng, đạt 48,36% kế hoạch (thấp hơn mức bình quân cả nước 49,89%), trong đó: 

Vốn NSTW trong nước: 4.381,556 tỷ đồng, đạt 49,12% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức bình quân chung cả nước nguồn vốn này (50,54%). 

Vốn ODA: 22,554 tỷ đồng, đạt 6,17% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ, thấp hơn mức bình quân chung cả nước nguồn vốn này (28,17%). 

Vốn NSĐP: 6.142,959 tỷ đồng, đạt 49,06% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức bình bình quân chung cả nước nguồn vốn này (50,55%); So với tổng kế hoạch của 05 địa phương triển khai, tỷ lệ giải ngân của nguồn vốn này chỉ đạt 36,51%. 

Ước giải ngân cả năm của 04/05 địa phương (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng) đều đạt từ 95% trở lên, riêng tỉnh Đăk Nông dự kiến giải ngân chỉ đạt 92% (dưới 95%). 

Về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của 05 địa phương 

Nhóm khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật: (1) Quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp, yêu cầu chuyển đổi còn phức tạp, phải xin nhiều cấp, ý kiến nhiều bộ, ngành, chưa tạo sự chủ động cho địa phương, tốn nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung triển khai thực hiện các dự án (Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum). (2) Việc thực hiện cấp phép thông qua đấu giá không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thực hiện cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản, xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác, lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, tính tiền cấp quyền/tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, bồi thường giải phóng mặt bằng và lập thủ tục thuê đất mới được khai thác, vì vậy việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản (cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp) kéo dài, mất rất nhiều thời gian nên không đáp ứng được tiến độ thi công của các dự án, dẫn đến chậm tiến độ giải ngân đối với vốn đầu tư công (Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai). (3) Các dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA) phải thực hiện song hành các quy định pháp luật của Việt Nam và Hiệp định ký kết với nhà tài trợ; quy trình thực hiện qua nhiều khâu, nhiều bước, nhất là quá trình thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt, điều chinh dự án, đàm phán ký kết, gia hạn Hiệp định; các thủ tục kéo dài thời gian thực hiện, kéo dài thời gian bố trí vốn mất nhiều thời gian và phụ thuộc lớn vào nhà tài trợ là một trong những nguyên nhân làm chậm quá trình triển khai thực hiện, giải ngân của các dự án (Đắk Lắk, Đắk Nông). (4) Vướng mắc của các dự án thuộc CTMTQG: văn bản hưởng dẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, một số văn bản còn khó thực hiện (Gia Lai, Kon Tum). 

Nhóm khó khăn, vướng mắc liên quan đến tổ chức thực hiện: (1) Công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án còn chậm. Trong đó vướng mắc chủ yếu liên quan đến việc chậm phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường; xác định nguồn gốc đất, kiểm kê, kê khai để phân loại đất đền bù, lựa chọn các vị trí để lập quy hoạch, hoàn thiện thủ  tục xây dựng khu tái định cư; việc xây dựng giá đất cụ thể bảo đảm đúng quy định của pháp luật cũng như hải hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân (nhiều trường hợp người dân không đồng ý phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư do giá trị bồi thường không bằng giá trị thực tế thị trưởng); quy trình thủ tục trình phê duyệt phương án bồi thường... (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng). (2) Nguồn thu từ tiền sử dụng đất chưa đảm bảo so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao, gây ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất (Gia Lai, Kon Tum). (3) Một số dự án gặp vướng mắc do phạm vi thực hiện dự án nằm trong Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoảng sản (Đắk Nông, Lâm Đồng), xác định vị trí đỗ thải (Kon Tum, Lâm Đồng). (4) Công tác khảo sát, lập dự án chưa tốt, chưa phù hợp với thực tế dẫn tới phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án ảnh hưởng tiến độ... (Kon Tum, Lâm Đổng). (5) Vướng mắc về vật liệu: tình trạng khan hiếm đất đắp, cát xây dựng khiến giả vật liệu xây dựng tăng cao (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum). 

Theo ý kiến của Bộ Tài chính, trong quá trình tổng hợp tình hình giải ngân vốn đầu tư công hằng tháng của cả nước. Bộ Tài chính nhận thấy các khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 nêu trên không phải là khó khăn, vướng mắc riêng của các địa phương khu vực Tây Nguyên mà còn là các khó khăn, vướng mắc chung của nhiều địa phương trên cả nước./.

 

 

Khắc Quang - Ipckontum
Số lượt xem:34

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 87 Số người online:
TNC Phát triển: