Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tháng 1 năm 2024 trên địa bàn tỉnh
Trên cơ sở kế hoạch phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản năm 2024, ngay từ đầu năm, Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chủ động triển khai, chỉ đạo, theo dõi và nắm bắt tình hình sản xuất. Tập trung chủ yếu vào công tác gieo trồng lúa vụ đông xuân và các cây rau, quả phục vụ dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Ngành chăn nuôi kiểm soát được dịch bệnh, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Sản xuất lâm nghiệp và thủy sản tương đối ổn định.
Từ đầu năm 2024, Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chủ động triển khai, chỉ đạo, theo dõi và nắm bắt tình hình sản xuất, tích cực phối hợp với các ngành liên quan khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản theo hướng bền vững.
Về trồng trọt: Tình hình sản xuất cây trồng vụ đông xuân 2023-2024 được giám sát chặt chẽ đúng quy trình, ngành Nông nghiệp đã đưa ra các kế hoạch và giải pháp hiệu quả như: gieo sạ đúng lịch thời vụ; chọn giống tốt có chất lượng và năng suất cao phù hợp với từng địa phương; tăng cường công tác phòng ngừa sâu bệnh và hướng dẫn các địa phương ứng dụng tổng hợp nhiều giải pháp kỹ thuật trong canh tác; khuyến cáo các địa phương chú trọng tu sửa, gia cố, nâng cấp các hồ, đập để nâng cao khả năng tích trữ nguồn nước, hạn chế những khó khăn, thiệt hại do khô hạn, thiếu nước gây ra. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng 01 năm 2024, tập trung vào gieo trồng cây lúa và các loại cây hàng năm khác vụ đông xuân 2023-2024. Tính đến thời điểm ngày 15/01/2024 tổng DTGT cây hàng năm vụ đông xuân 2023-2024 tỉnh Kon Tum là: 6.454 ha, giảm 1,6% (-104,8 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:
Cây lúa DTGT: 4.758 ha, giảm 4,88% (-244,2 ha). DTGT giảm là do lịch thời vụ gieo trồng lúa ở các huyện Sa Thầy, Tu Mơ Rông muộn hơn so với năm trước. Đến nay, diện tích cây lúa đã gieo sạ phát triển tốt, hiện tượng sâu bệnh không xảy ra.
Các loại cây khác so với cùng kỳ năm trước như cây rau các loại gieo trồng được 923 ha, tăng 1,38% (+12,5 ha), khoai lang gieo trồng được 12 ha, tăng 4,53% (+0,5 ha); cây lạc gieo trồng được 14 ha, tăng 1,45% (+0,2 ha); cây ngô gieo trồng được 291 ha, giảm 4% (- 12,1 ha); đậu các loại gieo trồng được 44 ha, giảm 0,67% (-0,3 ha).
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trên địa bàn tỉnh tích cực sản xuất hàng hóa, nông sản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào cuối năm. Các loại rau, củ, quả phục vụ cho thị trường Tết phát triển tương đối ổn định.
Cây lâu năm: Tổng diện tích cây lâu năm hiện có trên địa bàn tỉnh đến cuối tháng 01/2024 khoảng 130.482 ha, tăng 6,54% so với cùng kỳ năm trước. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, cây trồng chủ lực của tỉnh là cây cao su, cà phê, sâm Ngọc Linh,... Diện tích cây ăn quả không nhiều, chiếm tỷ trọng thấp trong nhóm cây lâu năm. Khí hậu, thổ nhưỡng ở đây không phù hợp để phát triển các loại cây ăn quả với quy mô lớn. Diện tích cây công nghiệp lâu năm cũng không nhiều so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Kon Tum chủ yếu trồng tập trung các cây trọng điểm là cao su, cà phê..., cụ thể một số loại cây trồng như sau: (i) Cây cao su diện tích ước tính 79.091 ha, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cao su tăng do người dân trồng tái canh trên một số diện tích thanh lý của những năm trước. Do tính chất đặc thù của loại cây công nghiệp này, từ nay đến hết tháng 3/2024, cây cao su sẽ bắt đầu thời kỳ thay lá và không cho sản phẩm, các công ty cao su bắt đầu ngừng khai thác, đưa vườn cao su vào bảo dưỡng và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. (ii) Cây cà phê diện tích ước tính 29.843 ha, tăng 2,46% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cà phê tăng do giá cà phê những năm gần đây tương đối ổn định nên người dân quan tâm đầu tư mở rộng. Tính đến nay, hầu hết diện tích cà phê trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản đã thu hoạch xong, người dân đang tập trung chăm sóc làm cỏ, cắt cành tạo tán, bón phân, tưới nước cho cây cà phê. (iii) Sâm Ngọc linh có khoảng 2.393 ha, tăng 36,86%; cây dược liệu khoảng 2.342 ha, tăng 33,38% so với cùng kỳ năm trước...(iv) Diện tích cây ăn quả khoảng 14.027 ha, tăng 46,94%. Trong đó: cây Mắc ca 3.502 ha, tăng 51,33% so với cùng kỳ năm trước.
Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển ổn định. Các cơ quan chuyên môn quan tâm, khẩn trương thực hiện tốt phương án phòng chống dịch bệnh ở động vật; tăng cường công tác khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường vệ sinh an toàn; duy trì công tác giám sát, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát hoạt động giết mổ, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Chú trọng công tác tái đàn gia súc, gia cầm để đảm bảo sản lượng thịt, đáp ứng thị trường vào dịp tết Nguyên đán Giáp thìn năm 2024.
Ước tính đến thời điểm ngày 31/01/2024 tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh so với cùng kỳ năm trước như sau: Tổng đàn trâu 24.122 con, tăng 0,8% (+180 con). Số con xuất chuồng là 274 con, tăng 1,5% (+4 con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 65 tấn, tăng 1,6% (+1 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn bò 85.289 con, tăng 0,6% (+539 con). Số con xuất chuồng là 2.425 con, tăng 2,1% (+49 con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 425 tấn, tăng 2,2% (+9 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn lợn 172.220 con, tăng 10,9% (+16.890 con). Số con xuất chuồng là 25.460 con, tăng 4,3% (+1.040 con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 1.702 tấn, tăng 5,2% (+84 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Đàn lợn tăng là do giá cả ổn định nên người dân tăng đàn để phục vụ cho nhu cầu dịp tết Nguyên đán, mặc khác, trong kỳ đã có nhiều dự án chăn nuôi lợn quy mô lớn bắt đầu hoạt động. Tổng đàn gia cầm 2.015.000 con, tăng 4,7% (+90.000 con), trong đó: đàn gà 1.754.000 con, tăng 4,2% (+70.000 con). Sản lượng thịt hơi gia cầm xuất chuồng 705 tấn, tăng 7,1% (+47 tấn) so với năm trước. Trong đó: sản lượng thịt hơi gà xuất chuồng 515 tấn, tăng 6,8% (+33 tấn).
Lâm nghiệp: Hoạt động lâm nghiệp được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai nhiều giải pháp tích cực, tuyên truyền, chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác bảo vệ rừng và chuẩn bị tốt các điều kiện phòng, chống cháy rừng vào mùa khô năm 2024. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân đã góp phần ngăn chặn kịp thời và làm giảm đáng kể số vụ vi phạm về khai thác rừng. Tính đến 15/01/2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích thiệt hại là 0,2 ha. Các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Công tác khai thác lâm sản: Uớc tính đến ngày 31/01/2024, trên địa bàn tỉnh khai thác gỗ là 7.755 m3, tăng 1,4%% (+109 m3); Sản lượng củi khai thác ước đạt 21.985 ster, tăng 1,8% (+390 Ster) so với cùng kỳ năm trước.
Thuỷ sản
Ước tính đến 31/01/2024, diện tích nuôi trồng thủy sản là 955 ha, tăng 13,56 % (+114 ha) so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng thủy sản ước tính đạt 481 tấn, tăng 7,85% (+35 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản lượng nuôi trồng thủy sản nước ngọt là 295 tấn, tăng 8,86% (+24 tấn). Sản lượng khai thác thủy sản nước ngọt là 186 tấn, tăng 6,29% (+11 tấn).
Nhìn chung sản lượng thủy sản trong kỳ tăng do diện tích nuôi trồng thủy sản tăng so với năm trước, cùng với khai thác đánh bắt của các hộ trên các hồ thủy lợi, thủy điện, sông suối tăng. Mặt khác do trong tháng chuẩn bị rơi vào dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, người dân thu hoạch sản lượng cá nuôi trồng và khai thác bán ra thị trường nhiều để phụ vụ nhu cầu tiêu dùng; Trong thời gian tới, ước tính sản lượng thủy sản tăng nhanh do thời tiết diễn ra thuận lợi, lượng nước trên các con sông, suối giảm dần tạo điều kiện cho người dân đi khai thác cá và thủy sản khác nhiều làm cho sản lượng tăng hơn./.