banner
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
vướng mắc, khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh
21-6-2024

Tồn tại, vướng mắc, khó khăn, bất cập trong thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh

Trong thời gian qua, công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả khích lệ. Việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử ngày càng mạnh mẽ; việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được các sở, ban ngành và các địa phương quan tâm.

Trong thời gian qua, công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả khích lệ. Trong đó, việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tiếp tục được thực hiện chủ yếu thông qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử ngày càng mạnh mẽ; việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được các sở, ban ngành và các địa phương quan tâm, đặc biệt việc thực hiện thanh toán trực tuyến trên địa bàn tỉnh đạt kết quả hết sức tích cực (hiện tại theo số liệu trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tỷ lệ thanh toán trực tuyến của tỉnh Kon Tum đang đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố). Chỉ số cải cách TTHC của tỉnh năm 2023 xếp hạng thứ 34/63 tỉnh, thành phố; kết quả thực hiện Bộ Chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của tỉnh luôn đứng ở thứ hạng cao. Trong đó, năm 2023 xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố…. 

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh cũng còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập như: 

Về công tác công bố, công khai TTHC, đây là nội dung 02 năm liên tục tỉnh Kon Tum bị mất điểm cải cách TTHC và cải cách hành chính, dẫn đến ảnh hưởng đến thứ hạng của tỉnh trong bảng xếp hạng chung. Nguyên nhân của vấn đề này bên cạnh việc một số Bộ, ngành Trung ương công bố TTHC chậm, lấy số trước khi ban hành và chậm công khai trên Cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC, thì nguyên nhân chủ quan của tỉnh là một số đơn vị Sở, ngành vẫn chưa thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm việc công bố, công khai TTHC theo đúng thời gian quy định, tình trạng trình công bố chậm vẫn còn. Trong đó, năm 2023, có 02 Quyết định công bố chậm của tỉnh đã được Hội đồng chấm điểm Cải cách hành chính của Trung ương chỉ ra đã ảnh hưởng đến việc mất điểm cải cách hành chính của tỉnh. 

Việc giao các chỉ tiêu liên quan đến cải cách TTHC, cụ thể là chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến hiện nay chưa thực sự phù hợp, cụ thể là Trung ương giao chỉ tiêu cho tất cả các địa phương là như nhau, không tính đến các điều kiện về kinh tế - xã hội, tình độ dân trí…Chính vì vậy, đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa rất khó đạt được, từ đó khi chấm điểm cải cách hành chính tỉnh Kon Tum luôn luôn bị mất điểm ở nội dung này. Thời gian qua, Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị các cơ quan Trung ương để xem xét nhưng vẫn chưa được ghi nhận.  

Trong thực hiện tiến độ giải quyết TTHC, thời gian qua, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh rất nhiều văn bản chỉ đạo và chấn chỉnh liên quan đến việc giải quyết TTHC quá hạn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc giải quyết TTHC của một số đơn vị, địa phương vẫn còn tình trạng để hồ sơ quá hạn, nhất là đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện và vẫn còn hồ sơ quá hạn do lỗi chậm thao tác luân chuyển xử lý của công chức, viên chức tiếp nhận và xử lý hồ sơ trên hệ thống, mặc dù kết quả giải quyết thực tế đúng hạn đã làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải quyết TTHC đúng hạn theo thời gian thực trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia của tỉnh. Trong đó, số lượng hồ sơ quá hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện đang chiếm trên 80%/tổng số hồ sơ quá hạn của toàn tỉnh. 

Nhân sự tham mưu công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã chưa được thực sự quan tâm bố trí nhân sự có năng lực và kinh nghiệm công tác; mặt khác lại thay đổi thường xuyên, dẫn đến khó khăn trong quá trình tiếp cận và tham mưu thực hiện nhiệm vụ. 

Hiện nay, Bộ Chỉ số đánh giá theo Quyết định số 766/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia chưa thống kê và công khai kết quả đánh giá chỉ số chung, các chỉ số thành phần và dữ liệu chi tiết theo từng sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã cũng như từng cơ quan, đơn vị cơ sở trực thuộc. Do vậy, rất khó khăn cho Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc theo dõi, đánh giá, tham mưu đôn đốc, chấn chỉnh đến từng cơ quan, đơn vị cơ sở. 

Chưa có chế chế độ, chính sách hỗ trợ công chức, viên chức Bộ phận Một cửa để động viên, khuyến khích số CCVC này, trong khi áp lực công việc của số đối tượng này ngày một lớn từ đó dẫn đến không tạo được động lực làm việc cho công chức, viên chức được cử đến làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xin ý kiến các Bộ ngành liên quan về nội dung xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp. Tuy nhiên, theo văn bản trả lời của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị tỉnh thực hiện theo Điểm 4 mục III Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp có nêu: “Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước...”; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW: “Từ nay đến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không xem xét ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách tiền lương hiện hành”. Sau khi Chính phủ ban hành chế độ tiền lương mới Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ phối hợp với các cưo quan liên quan để tiếp tục nghiên cứu tham mưu trình quy định chính sách đặc thù của địa phương hỗ trợ đối với người làm việc tại Bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh. 

Thực tế hiện nay công tác cải cách TTHC được gắn liền với công tác chuyển đổi số, cụ thể là: nộp hồ sơ bằng tài khoản định danh điện tử, thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính; kết nối, liên thông chia sẻ dữ liệu; tái sử dụng kết quả đã được số hóa… Từ việc chuyển đổi cách tiếp cận TTHC theo hình thức truyền thống sang môi trường điện tử đã tăng thời gian, áp lực cho cán bộ Một cửa cấp cơ sở (ví dụ như cấp xã: trước đây thời gian tiếp nhận thủ tục chứng thực bản sao thực hiện bình quân 4 phút, nhưng khi thực hiện thêm bản sao điện tử thì mỗi hồ sơ mất khoảng 10 đến 15 phút); bên cạnh đó, công chức, viên chức Bộ phận Một cửa còn phải hướng dẫn người dân người dân thực hiện thanh toán trực tuyến, cơ bản làm làm hộ, làm thay… 

Đối với nội dung giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC, cho đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho nội dung này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ  dẫn đến khó khăn cho tỉnh trong xây dựng đơn giá dịch vụ để tổ chức đấu thầu thuê dịch vụ bưu chính công ích đảm nhận một số công việc trong hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã. 

Từ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc như trên, để đảm bảo việc thực hiện các chỉ tiêu của Chính phủ giao, trong 06 tháng cuối năm cần tập trung thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác cải cách TTHC như sau: 

Một là, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh chủ động rà soát trình công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Định kỳ hàng tháng thống kê đầy đủ những TTHC được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để kiểm soát chặt chẽ việc ban hành và thực hiện TTHC. 

Hai là, các sở ngành, địa phương (nhất là cấp huyện) đẩy mạnh thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC và khai thác, tái sử dụng thông tin, dữ liệu số hóa. Đối với nội dung này, tại Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 02 của Chính phủ giao chỉ tiêu cho các địa phương rất cao (như số hóa kết quả giải quyết TTHC phải đạt 100%, tỷ lệ này hiện nay ở cấp tỉnh chỉ đạt 77,38%; cấp huyện 74,26%; cấp xã 83,33%). 

Ba là, các sở ngành, địa phương đẩy mạnh việc đổi mới trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, trong đó đề nghị tích cực tuyên truyền để người dân nộp hồ sơ đối với 31 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh (Phiếu  lý lịch tư pháp; cấp giấy phép xây dựng; xác nhận bảng kê lâm sản; xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp) nhưng được phép tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã (TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính). Nếu thực hiện tốt công tác tuyền truyền thì đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa, vì không phải đi hàng trăm km đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để nộp hồ sơ.

Bốn là, các sở ngành, địa phương ưu tiên bố trí nhân lực là cán bộ, công chức giỏi, có kinh nghiệm trong tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách TTHC tại đơn vị, địa phương bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao. 

Năm là, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quan tâm trang bị cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động của Bộ phận Một cửa các cấp; bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 theo Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ. 

Sáu là, các sở ngành, địa phương chủ động theo dõi kết quả thực hiện Bộ Chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để chủ động khắc phục nhằm đạt các chỉ tiêu đề ra đối với với 05 nhóm chỉ số: Công khai, minh bạch; Tiến độ, kết quả giải quyết; Số hóa hồ sơ; Cung cấp dịch vụ trực tuyến; Mức độ hài lòng./.

 

 

Thị Hạnh - Ipckontum
Số lượt xem:165

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 74 Số người online:
TNC Phát triển: