banner
Thứ 3, ngày 31 tháng 12 năm 2024
Trường Chính sách công và phát triển Nông nghiệp phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khu vực Tây Nguyên
1-11-2024

     Sáng 30-10, tại TP. Hà Nội, và thành phố PleiKu đồng chí Lê Minh Hoan-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khu vực Tây Nguyên.

    Dự tại điểm cầu Gia Lai có các đồng chí: Dương Mah Tiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; Võ Văn Cảnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông; Nguyễn Trung Đông - Hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT; lãnh đạo các cục, vụ, trung tâm, một số trường, viện và các đơn vị khác thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, cùng hơn 100 nhà đầu tư, doanh nghiệp và hợp tác xã tham dự.

    Phát biểu đề dẫn hội nghị, ông Nguyễn Trung Đông-Hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT cho biết, vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng-an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, toàn diện và bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Nhờ những chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ và sự nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương, Tây Nguyên đã có những bước tiến vượt bậc sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa IX. Quy mô kinh tế vùng tăng trưởng nhanh chóng, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 14 lần so với năm 2002. Tiếp nối thành công đó, năm 2023, năm đầu tiên các tỉnh Tây Nguyên triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục đà tăng trưởng ấn tượng, khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Với những kết quả đạt được và tiềm năng to lớn, Tây Nguyên đang ngày càng khẳng định vị thế là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước.

    Hội nghị hôm nay kỳ vọng sẽ chào đón những dự án đầu tư chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng tầm giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo dựng một nền nông thôn mới khởi sắc và bền vững, cải thiện đời sống của hơn 6 triệu người với 54 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số gần 2,2 triệu người đang sinh sống tại vùng Tây Nguyên.

   Theo báo cáo tại hội nghị, khu vực Tây Nguyên có trên 5 triệu ha đất nông nghiệp (chiếm 91,75% diện tích tự nhiên). Khí hậu thuận lợi thích hợp cho trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp và cây ăn quả. Trong đó, diện tích cây cà phê trên 668,5 ngàn ha; cao su trên 228 ngàn ha; hồ tiêu 77,6 ngàn ha; sầu riêng 75,5 ngàn ha; chanh leo 6,7 ngàn ha; có trên 4 triệu con gia súc, 30 triệu con gia cầm. Khai thác trên 700 ngàn m3 gỗ rừng trồng/năm. Những năm gần đây, nông nghiệp khu vực Tây Nguyên tăng trưởng giá trị sản xuất khoảng 5%/năm. Xuất khẩu nông sản năm 2023 đạt hơn 3,6 tỷ USD, tăng 28,91% so với năm 2022.

    Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp đã thông tin về những tiềm năng, lợi thế của tỉnh Gia Lai về phát triển nông nghiệp như: diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai hơn 845.000 ha, trong đó chủ yếu là đất đỏ bazan-loại đất rất thích hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng yêu cầu độ phì cao, đặc biệt là phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: hồ tiêu, cà phê, cao su, mía, sắn, cây dược liệu, cây ăn trái, cỏ chăn nuôi… Gia Lai có lợi thế về giao thông đi lại thuận tiện, là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam. Những điều kiện thuận lợi này đang từng bước được tỉnh Gia Lai phát huy hiệu quả, mở ra “cánh cửa” để tỉnh chào đón các nhà đầu tư tiềm năng vào 3 lĩnh vực thế mạnh là: nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai mong muốn thông qua hội nghị lần này, các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… vào các tỉnh Tây Nguyên. Hội nghị tổ chức với mục tiêu tạo ra một diễn đàn cởi mở để các doanh nghiệp và nhà đầu tư cùng chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng mối liên kết chặt chẽ và bền vững nhằm thúc đẩy nông nghiệp Tây Nguyên phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.

    Hội nghị cũng được nghe các đại biểu trình bày những kết quả đạt được trong công tác thu hút đầu tư vào Tây Nguyên thời gian qua; đồng thời cùng nhau trao đổi, thảo luận những vấn đề về tiềm năng, cơ hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; các cơ chế, chính sách, kết quả thu hút đầu tư; nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế; định hướng giải pháp thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo sự bứt phá phát triển kinh tế-xã hội cho các tỉnh Tây Nguyên. Hội nghị là dịp để các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… các tỉnh Tây Nguyên.

    Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng-an ninh và đối ngoại của cả nước. Phát triển Tây Nguyên nhanh, toàn diện và bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Cùng với đó, Tây Nguyên là vùng có nhiều tiềm năng và dư địa để khai thác phát triển nông nghiệp nhưng kết quả chưa được như kỳ vọng.

    “Nhà đầu tư khi đến Tây Nguyên sẽ không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương, mà đó còn là câu chuyện mang tư duy của doanh nghiệp đến cho địa phương về kinh tế, thị trường. Nhà đầu tư nên là nhà cố vấn cho địa phương, gợi mở ra một không gian giá trị mới cho Tây Nguyên không chỉ lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp… Vì vậy, các địa phương cần ngồi lại với nhà đầu tư để đánh giá, đề xuất gỡ vướng về thể chế, chính sách, nhằm phát triển hệ sinh thái nông nghiệp. Ý tưởng của doanh nghiệp có thể gợi mở không gian giá trị cho Tây Nguyên phát triển nền nông nghiệp đa giá trị, cũng như thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh và bền vững. Do đó, hội nghị được tổ chức nhằm tìm kiếm các giải pháp để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp của khu vực Tây Nguyên. Trong đó, tập trung vào các giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, nút thắt để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Kết quả của Hội nghị cũng sẽ góp phần gợi mở định hướng phát triển nông nghiệp cho các tỉnh vùng Tây Nguyên trong bối cảnh mới, giai đoạn mới”-Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

 

Công Dinh - ipc Kon Tum
Số lượt xem:99

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467716 Tổng số người truy cập: 32 Số người online:
TNC Phát triển: