Với quan điểm phát triển cây ăn quả trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký ban hành Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 (gọi tắt là Đề án).
Đề án xác định mục tiêu chung là: Phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng giá trị xuất khẩu, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh khu vực nông thôn.
Mục tiêu đến năm 2025: (1) Diện tích cây ăn quả cả nước 1,2 triệu ha, sản lượng trên 14 triệu tấn; trong đó, diện tích cây ăn quả chủ lực 960 ngàn ha, sản lượng 11-12 triệu tấn. (2) Tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung: Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30-35%; tỷ lệ diện tích trồng mới, trồng tái canh sử dụng giống chất lượng cao 70-80%; tỷ lệ diện tích cây ăn quả áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương…) 30%; diện tích được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước 20-30%. (3) Kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt trên 5 tỷ USD.
Mục tiêu đến năm 2030: (1) Diện tích cây ăn quả cả nước 1,3 triệu ha, sản lượng trên 16 triệu tấn; trong đó, diện tích cây ăn quả chủ lực 01 triệu ha, sản lượng 13-14 triệu tấn. (2) Tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung: Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 60-70%; tỷ lệ diện tích trồng mới, trồng tái canh sử dụng giống chất lượng cao 80-90%; tỷ lệ diện tích cây ăn quả áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương…) 40-50%; diện tích được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước 30-40%. (3) Kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt khoảng 6,5 tỷ USD.
Định hướng phát triển 14 loại cây ăn quả chủ lực đến năm 2030
Cây thanh long: Ổn định diện tích thanh long khoảng 60 - 65 ngàn ha, sản lượng 1,3 - 1,5 triệu tấn. Các vùng sản xuất thanh long tập trung gồm: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang.
Cây xoài: Định hướng phát triển khoảng 130-140 ngàn ha, sản lượng 1,1-1,5 triệu tấn. Các tỉnh sản xuất xoài trọng điểm: Vùng trung du miền núi phía Bắc (Sơn La), vùng Nam Trung bộ (Bình Thuận, Khánh Hòa), vùng Đông Nam bộ (Đồng Nai, Tây Ninh), vùng đồng bằng sông Cửu Long (Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang).
Cây chuối: Định hướng phát triển khoảng 165-175 ngàn ha, sản lượng 2,6-3 triệu tấn. Các tỉnh sản xuất chuối trọng điểm: Vùng đồng bằng sông Hồng (TP. Hà Nội, Hưng Yên), vùng trung du miền núi phía Bắc (Sơn La, Phú Thọ, Lai Châu), vùng Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị), vùng Nam Trung bộ (Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa), vùng Đông Nam bộ (Đồng Nai), Tây Nguyên (Gia Lai) và vùng đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau).
Cây vải: Ổn định diện tích khoảng 55 ngàn ha, sản lượng 330-350 ngàn tấn; bố trí cơ cấu giống vải chín sớm khoảng 30% diện tích, chính vụ khoảng 70% diện tích. Các tỉnh sản xuất vải trọng điểm: Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh.
Cây nhãn: Ổn định diện tích khoảng 85 ngàn ha, sản lượng 700 - 750 ngàn tấn. Các tỉnh sản xuất nhãn trọng điểm: Vùng trung du miền núi phía Bắc (Sơn La, Bắc Giang, Tuyên Quang, Lào Cai), vùng đồng bằng sông Hồng (Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội), vùng Đông Nam bộ (Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu), vùng đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng).
Cây cam: Định hướng ổn định diện tích khoảng 100 ngàn ha, sản lượng 1,2 - 1,3 triệu tấn. Các tỉnh sản xuất cam trọng điểm: Vùng trung du miền núi phía Bắc (Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang), vùng đồng bằng sông Hồng (TP. Hà Nội, Hưng Yên), vùng Bắc Trung bộ (Nghệ An, Hà Tĩnh), vùng đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng).
Cây bưởi: Định hướng phát triển khoảng 110-120 ngàn ha, sản lượng 1,2-1,6 triệu tấn. Các tỉnh sản xuất bưởi trọng điểm: Vùng trung du miền núi phía Bắc (Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang), vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội), vùng Bắc Trung bộ (Hà Tĩnh), vùng đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang).
Cây dứa: Định hướng phát triển khoảng 55-60 ngàn ha, sản lượng 800-950 ngàn tấn. Các tỉnh sản xuất dứa trọng điểm gồm: Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Tiền Giang, Kiên Giang.
Cây chôm chôm: Ổn định diện tích khoảng 25 ngàn ha, sản lượng 400 ngàn tấn. Các tỉnh sản xuất chôm chôm trọng điểm: Đồng Nai, Bến Tre, Vĩnh Long.
Cây sầu riêng: Định hướng phát triển khoảng 65-75 ngàn ha, sản lượng 830-950 ngàn tấn. Các tỉnh trọng điểm sản xuất sầu riêng: Vùng đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre), đông nam Bộ (Đồng Nai, Bình Phước), Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông).
Cây mít: Ổn định diện tích khoảng 50 ngàn ha, sản lượng 600-700 ngàn tấn. Các tỉnh sản xuất mít trọng điểm: Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai), đông nam Bộ (Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh), đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Vĩnh Long, Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang).
Cây chanh leo: Định hướng phát triển khoảng 12 - 15 ngàn ha, sản lượng 250 - 300 ngàn tấn. Các tỉnh sản xuất chanh leo trọng điểm: Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Trị, Sơn La, Nghệ An.
Cây bơ: Định hướng ổn định diện tích khoảng 25-30 ngàn ha, sản lượng 250-300 ngàn tấn. Các tỉnh sản xuất bơ trọng điểm: Tây Nguyên (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông), trung du miền núi phiá Bắc (Sơn La), Bắc Trung bộ (Quảng Trị, Nghệ An).
Cây na: Ổn định diện tích khoảng 25-30 ngàn ha, sản lượng 220-250 ngàn tấn. Các tỉnh sản xuất trọng điểm: Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Tây Ninh, Tiền Giang./.