banner
Thứ 4, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Kết quả nổi bật sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TW, Chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn 2001-2010 và các chủ trương, chính sách khác của Đảng và Nhà nước, vùng Tây Nguyên
10-1-2023

Sau gần 10 năm triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TW, Chiến lược kinh tế xã hội giai đoạn 2001-2010 và các chủ trương, chính sách khác của Đảng và Nhà nước, vùng Tây Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu, toàn diện và có ý nghĩa quan trọng. Kinh tế từ chỗ mất cân đối, tốc độ tăng trưởng thấp, cơ cấu lạc hậu đã chuyển dịch mạnh mẽ và phát triển theo hướng đa dạng với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện…

Trên cơ sở Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020, với sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương; sự nổ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng, kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đã đạt được những kết quả tích cực. 

Về các chỉ số tăng trưởng kinh tế vùng Tây Nguyên

Quy mô kinh tế của vùng được mở rộng. Năm 2020, quy mô GRDP theo giá hiện hành của vùng Tây Nguyên đạt 287 nghìn tỷ đồng, gấp 14,1 lần năm 2002. Tuy nhiên, quy mô GRDP của vùng thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước". Trong vùng, quy mô GRDP của tỉnh Đắk Lắk lớn nhất, chiếm 29,6% GRDP toàn vùng; quy mô GRDP của tỉnh Lâm Đồng có mức độ mở rộng lớn nhất so với các tỉnh còn lại, đạt 82,7 nghìn tỷ đồng, gấp 16,7 lần năm 2002, chiếm 28,8% GRDP toàn vùng; quy mô GRDP Kon Tum chiếm tỷ trọng nhỏ nhất (8,45%). 

Tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2002-2019 của vùng đạt 8,22%/năm. Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên GRDP của vùng chỉ tăng 3,66%, tính chung giai đoạn 2002-2020, GRDP của vùng Tây Nguyên tăng bình quân 7,98%/năm, cao nhất trong các vùng kinh tế - xã hội, trong đó giai đoạn 2011-2015 đạt 6,5%/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 5,97%/năm. Lâm Đồng là địa phương đứng đầu toàn Vùng với tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2002-2020 đạt 8,86%/năm, tiếp theo là Kon Tum 8,72%/năm; Đắk Lắk có tốc độ tăng thấp nhất với 6,88%/năm. 

Tổng thu ngân sách trên địa bàn vùng Tây Nguyên được cải thiện, đáp ứng dần khả năng cân đối của địa phương. Tổng thu ngân sách giai đoạn 2016-2020 đạt 113,4 nghìn tỷ đồng, tăng 67,8% so với giai đoạn 2011-2015. Tốc độ tăng thu ngân sách giai đoạn 2011-2015 là 3,5%/năm và thấp hơn so với bình quân cả nước (7,7%/năm), tuy nhiên đến giai đoạn 2016-2020 là 14,4%/năm, cao hơn 6,1 điểm % so với bình quân cả nước (8,3%/năm). Tổng chi ngân sách giai đoạn 2016-2020 đạt 196,4 nghìn tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 29 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,8% tổng chi ngân sách, tăng 128,8% so với giai đoạn 2011-2015; chi thường xuyên đạt 162 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,5% tổng chi ngân sách, tăng 59% so với giai đoạn 2011-2015. Tốc độ tăng chi ngân sách giai đoạn 2011-2015 là 10,5%/năm và thấp hơn 1,8 điểm % so với cả nước (12,3%/năm); giai đoạn 2016-2020 là 11,7%/năm, cao hơn 0,1 điểm % so với bình quân cả nước (11,6%/năm). Đến năm 2020, cả 5 địa phương trong vùng chưa tự cân đối được ngân sách địa phương. 

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của vùng dần được cải thiện, tuy nhiên, Tây Nguyên vẫn là một trong những vùng có tổng vốn đầu tư bình quân và tỷ trọng vốn/GRDP thấp nhấp cả nước. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2002-2020 đạt 16,1%/năm (năm 2020 có tốc độ tăng trưởng vốn cao nhất là 25,3%). Trong đó, tổng vốn đầu tư giai đoạn 2006-2010 đạt 140,5 nghìn tỷ đồng, thấp nhất trong 6 vùng, chiếm 3,6% tổng vốn đầu tư của cả nước và bằng 29,9% GRDP của Vùng; giai đoạn 2011-2020 đạt 694,3 nghìn tỷ đồng, thấp nhất cả nước, chiếm 3,4% tổng vốn đầu tư bình quân giai đoạn của cả nước và bằng 24,2% GRDP của Vùng. Trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Vùng giai đoạn 2011-2020, khu vực ngoài Nhà nước đạt cao nhất với 487,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 70,2%; tiếp theo là khu vực Nhà nước 197,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,4%; khu vực FDI 9,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,4%. Theo các ngành kinh tế, ngành dịch vụ cao nhất chiếm 56,1%; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 28%; ngành nông nghiệp thấp nhất chiếm 15,9%. 

Năng suất lao động của vùng Tây Nguyên thấp nhất cả nước. Năm 2020, năng suất lao động theo giá hiện hành của vùng chỉ đạt 84,3 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 0,93 lần vùng Trung du và miền núi phía Bắc; 0,4 lần vùng Đồng bằng sông Hồng; 0,8 lần vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; 0,33 lần vùng Đông Nam Bộ; 0,83 lần vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của vùng giai đoạn 2006-2010 là 7,3% năm, tuy nhiên giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 đạt mức tăng tương đối thấp, lần lượt là 3,8%/năm và 5,1%/năm, chỉ cao hơn vùng Đông Nam Bộ. Năng suất lao động của các địa phương trong vùng không có sự khác biệt lớn. Năm 2020, Lâm Đồng là tỉnh có mức năng suất lao động cao nhất trong vùng, đạt 108,5 triệu đồng/lao động, gấp 1,5 lần năng suất lao động của Gia Lai - tỉnh có năng suất lao động thấp nhất (73,4 triệu đồng/lao động). 

Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của vùng Tây Nguyên ngày càng tích cực. Giai đoạn 2004-2012 chỉ là 7,6% nhưng đến giai đoạn 2013-2020 thì mức đóng góp này đã tăng lên 35,7%. Tuy nhiên, đây vẫn là mức đóng góp thấp nhất trong các vùng kinh tế - xã hội. 

Hiệu quả sử dụng vốn của vùng Tây Nguyên ngày càng có xu hướng giảm nhưng vẫn cao hơn mức bình quân cả nước. Trong giai đoạn 2006-2010, hệ số hiệu quả sử dụng vốn (ICOR) có sự cải thiện đáng kể ở mức 2,5. Trong giai đoạn 2016-2020, mặc dù hệ số ICOR của vùng tăng lên 5,7, hiệu quả sử dụng vốn giảm nhưng vẫn là hệ số thấp nhất trong các vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam. 

Quy mô lao động của vùng năm 2020 là 3,5 triệu người (từ 15 tuổi trở lên), tăng 831,9 nghìn người so với năm 2007 và giảm 29,4 nghìn người so với năm 2019 do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nhiều lao động bị mất việc làm, phải nghi giãn việc/nghi luân phiên, giảm giờ làm; chiếm 6,3% so với lực lượng lao động cả nước, thấp nhất trong sáu vùng kinh tế - xã hội. Trong đó, tăng trưởng lao động bình quân giai đoạn 2011-2015 là 2,4%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 0,9%/năm; tính chung giai đoạn 2008–2020 là 2,1%/năm, cao hơn tốc độ tăng của cả nước và chỉ thấp hơn vùng Đông Nam Bộ. Cơ cấu lao động của vùng năm 2020 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 67,9%, công nghiệp và xây dựng 7,6%, dịch vụ 24,5%, khá khác biệt so với xu thế chung của cả nước lần lượt là 33%, 31%, 36%. 

Thu nhập bình quân đầu người của vùng có tăng qua các năm, đến năm 2020 đạt 33,8 triệu đồng/năm, gấp 5,4 lần so với năm 2006, xếp thứ 5/6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, chỉ cao hơn thu nhập vùng Trung du và miền núi phía Bắc (32,9 triệu đồng/năm). Giữa các địa phương trong vùng có sự chênh lệch về thu nhập khá lớn: Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của Lâm Đồng đạt cao nhất là 44,9 triệu đồng/năm, gấp 1,6 lần thu nhập bình quân đầu người của Gia Lai - địa phương đạt mức thu nhập thấp nhất (27,8 triệu đồng/năm). 

GRDP bình quân đầu người của vùng tăng đều qua các giai đoạn nhưng vẫn ở mức thấp trong các vùng kinh tế. GRDP bình quân đầu người giai đoạn 19 2002-2005 đạt 7,13 triệu đồng; giai đoạn 2006-2010 đạt 18,09 triệu đồng, gấp 2,5 lần giai đoạn trước. Năm 2020, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành của vùng đạt 48,38 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002, cũng là mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội và bình quân chung cả nước20, trong đó GRDP bình quân đầu người của Lâm Đồng đạt cao nhất vùng với 63,2 triệu đồng, thấp nhất là Gia Lai đạt 42,1 triệu đồng. 

Sự bất bình đẳng giữa các nhóm dân cư của Vùng gần như không thay đổi, trong giai đoạn 2010-2020, thu nhập của 20% nhóm người có thu nhập thấp nhất và 20% nhóm người có thu nhập cao nhất có mức chênh lệch không đổi là 8,3 lần, cao hơn mức trung bình của cả nước vào năm 2020 (8,1 lần). Hệ số GINI trong giai đoạn 2010-2020 cho thấy bất bình đẳng thu nhập tại vùng Tây Nguyên có xu hướng tăng nhanh và đứng đầu cả nước vào năm 2016, nhưng đang có xu hướng giảm trong các năm gần đây, Hệ số GINI của vùng đã tăng từ 0,408 năm 2010 lên 0,439 năm 2016 (cao nhất cả nước) và giảm về 0,406 năm 2020, tuy nhiên vẫn cao hơn trung bình của cả nước (0,375) và đứng thứ 5/6 vùng kinh tế - xã hội (thấp hơn vùng Trung du và miền núi phía Bắc 0,420). 

Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Trong giai đoạn 2002-2020, cơ cấu kinh tế của vùng dịch chuyển theo hướng tích cực và phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế, tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thủy điện, khai khoáng, vật liệu xây dựng, chế biến nông sản xuất khẩu. Trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp có xu hướng tăng, trở thành động lực tăng trưởng chính của vùng. Năm 2020, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GRDP của vùng chiếm 34,56%, giảm 3,26 điểm phần trăm so với năm 2002; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 17,98%, tăng 6,4 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm 42,41%, giảm 1,26 điểm phần trăm. Năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế cả nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, tỷ trọng khu vực dịch vụ của Tây Nguyên giảm 1,37 điểm phần trăm so với năm 2019 (năm chưa xảy ra dich Covid-19). 

Cơ cấu kinh tế trên địa bàn vùng trong giai đoạn 2002-2020 dịch chuyển tương đối chậm so với một số vùng và so với bình quân chung của cả nước. So với năm 2002, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cả nước giảm 4,59 điểm phần trăm, công nghiệp và xây dựng tăng 5,26 điểm phần trăm, dịch vụ tăng 1,7 điểm phần trăm. 

Đóng góp của các khu vực kinh tế vào tăng trưởng tổng giá trị tăng thêm của vùng Tây Nguyên có sự khác nhau, thể hiện vai trò của từng khu vực trong quá trình phát triển kinh tế. Giai đoạn 2002-2020, khu vực dịch vụ là động lực tăng trưởng chính với các mức đóng góp cao nhất vào tăng trưởng tổng giá trị tăng thêm của toàn vùng. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2002-2019, khu vực dịch vụ đóng góp 4,05 điểm phần trăm vào tăng trưởng giá trị tăng thêm của toàn vùng; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 1,87 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 2,47 điểm phần trăm, Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng giá trị tăng thêm toàn vùng chỉ đạt 1,06 điểm phần trăm. Bình quân giai đoạn 2002-2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 2,48 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 1,8 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ đóng góp 3,85 điểm phần trăm vào tăng trưởng tổng giá trị tăng thêm toàn vùng. 

Có thể khẳng định thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, những năm qua các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng, đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng, phát huy những tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững, đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng. Quy mô kinh tế của vùng tăng nhanh, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2002 - 2020 đạt gần 8%/năm, tốc độ tăng trưởng của các khu vực kinh tế đều cao nhất so với các vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 48 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002. Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, đang trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hoá có sức hấp dẫn. Giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy, một số di tích văn hoá lịch sử được tu bổ, tôn tạo. Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Hệ thống giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được củng cố. Bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước được chú trọng. Tỉ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh vượt mục tiêu đề ra. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt, khơi dậy và nâng cao ý thức đoàn kết, tính tự lực trong việc phát triển sản xuất, giảm nghèo. Thế trận quốc phỏng toàn dân và an ninh nhân dân, thế trận lòng dân được củng cố và tăng cường, nhất là trên tuyến biên giới và các địa bàn xung yếu; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đăng và đảng viên được nâng lên; cơ bản xây dựng được tổ chức đảng ở các buôn, làng. Việc xây dựng chính quyền các cấp được đẩy mạnh; chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng cao; phát huy tốt vai trò của già làng, người có uy tín; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố; niềm tin của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường./.

 

Diễm Hằng - ipckontum
Số lượt xem:491

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 52 Số người online:
TNC Phát triển: