Phát triển dược liệu, trên địa bàn tỉnh đã trồng khoảng 5.464 ha dược liệu; trong đó, Sâm Ngọc Linh khoảng 1.264 ha, dược liệu khác khoảng 4.200ha. Bước đầu đã hình thành được một số vùng trồng dược liệu tập trung như: Vùng trồng Sâm Ngọc Linh tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei; vùng trồng Hồng Đẳng Sâm tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plông; vùng trồng Sa Nhân tím tại huyện Sa Thầy, huyện Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum... đã hình thành được chuỗi liên kết từ trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối sản phẩm dược liệu. Nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu đã khẳng định được thương hiệu tại thị trường trong nước như: Sâm củ, sâm tươi, rượu sâm, trà sâm, thực phẩm chức năng từ Sâm Ngọc Linh, Hồng Đẳng Sâm...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển nông nghiệp và dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn nhiều khó khăn, đó là: Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dược liệu chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dược liệu còn hạn chế. Việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; công tác quản lý, bảo vệ nguồn giống và thương hiệu một số dược liệu chưa hiệu quả, nhất là Sâm Ngọc Linh Kon Tum¬. Việc hình thành chuỗi liên kết giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác với các doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa phổ biến.
Để tiếp tục phát triển nông nghiệp và dược liệu tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, đưa tỉnh Kon Tum ngày càng có vị thế xứng đáng hơn trên bản đồ nông nghiệp Tây Nguyên và cả nước, Tỉnh ủy Kon Tum khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 25-11-2021 “về phát triển nông nghiệp hàng hoá đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” và Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 19-5-2022 “về đầu tư phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến 2030”, với mục tiêu là xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao; nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025; khẳng định vị thế thương hiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế.
Tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình kinh tế tập thể, đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với chuỗi cung ứng trong khu vực và cả nước. Hỗ trợ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, mã số vùng trồng; xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa phương, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp. Nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp; nhất là các khâu tạo giống, canh tác, chăm sóc, phòng trừ, kiểm soát dịch bệnh, bảo quản sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc gia, quốc tế.
Cùng với đó, tích cực tuyên truyền để thay đổi tư duy từ việc trồng dược liệu tự phát sang phát triển vùng dược liệu tập trung có quy mô lớn để sản xuất hàng hóa, tạo ra giá trị gia tăng cao. Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển các vùng trồng dược liệu đặc hữu, có giá trị cao và sức tiêu thụ mạnh trên thị trường. Thúc đẩy hình thành khu công nghiệp, cụm công nghiệp chế biến dược liệu tại các vùng trồng dược liệu trọng điểm và những nơi có lợi thế kết nối liên vùng.
Tăng cường quản lý, bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác; nhất là nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại trong kinh doanh dược liệu. Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nguồn giống và bảo tồn nguồn gen dược liệu, nhất là Sâm Ngọc Linh. Tạo điều kiện để người dân và các mô hình hợp tác xã áp dụng khoa học kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản các loại dược liệu.
Nâng cao chất lượng, số lượng các sản phẩm dược liệu đáp ứng các tiêu chuẩn của OCOP thứ hạng cao và tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia. Phối hợp các nhà khoa học, viện nghiên cứu để triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ về dược liệu; nghiên cứu chọn giống dược liệu mới có năng suất và chất lượng cao, đặc tính tốt, phù hợp với từng vùng sinh thái của tỉnh; ứng dụng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong phát triển dược liệu.