banner
Thứ 5, ngày 19 tháng 9 năm 2024
Triển khai nhiều giải pháp bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum
31-8-2023

Để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum và quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng, UBND tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp căn cơ, trong đó phải kể đến việc đầu tư mua sắm hệ thống máy móc, thiết bị để phân tích ADN sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác (tách chiết, nhân bản, kiểm tra, định lượng ADN) phục vụ giám định, kiểm định sâm Ngọc Linh thật và giả; phân tích hàm lượng saponin và các hoạt chất sinh học khác trong sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác. 

Toàn tỉnh hiện có gần 1.800ha sâm Ngọc Linh, chủ yếu là của Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô; số còn lại là của người dân 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông. 

Theo Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2030 phát triển 10.000ha sâm Ngọc Linh, đưa Kon Tum trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và là trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025. 

Theo giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của Cục Sở hữu trí tuệ, Kon Tum có vùng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” trải dài tại 9 xã của huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei (Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp - huyện Đăk Glei; Đăk Na, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc  Lây - huyện  Tu  Mơ  Rông). 

Giữa năm 2018, UBND tỉnh Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh. Tháng 7 năm 2020, UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum. UBND tỉnh đã đề nghị và được Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum vào tháng 5 năm 2021. 

Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở ban ngành, địa phương; Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, điều tra xử lý các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ đối với việc sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, buôn bán sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc xuất sứ, sâm Ngọc Linh không đảm bảo chất lượng; công tác quản lý giống sâm Ngọc Linh phải quản lý tận gốc, quản lý từ cây giống đem đi trồng và cách thức thực hiện.

Cùng với đó, đề nghị Công an tỉnh lập các chuyên án để điều tra; chỉ đạo Ban chỉ đạo 389 tỉnh và đề nghị Cục quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ đối với việc sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, buôn bán sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc xuất sứ, sâm Ngọc Linh không đảm bảo chất lượng; chỉ đạo các đơn vị liên quan như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương tăng cường vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong khâu quản lý nguồn gốc giống, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm sâm Ngọc Linh… 

Một trong những giải pháp căn cơ để bảo vệ thương hiệu, phát hiện sâm giả, sâm kém chất lượng được tỉnh Kon Tum triển khai đó là đầu tư mua sắm hệ thống máy móc, thiết bị, dụng cụ, vật tư, hóa chất... để phân tích ADN sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác (tách chiết, nhân bản, kiểm tra, định lượng ADN) phục vụ giám định, kiểm định sâm Ngọc Linh thật và giả; phân tích hàm lượng Saponin và các hoạt chất sinh học khác trong sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác. 

Cuối năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được UBND tỉnh phê duyệt dự án Cải tạo, sửa chữa phòng thí nghiệm, kiểm định và mua sắm thiết bị tại Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học và công nghệ tỉnh, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các thành tựu công nghệ sinh học, góp phần thực hiện các mục tiêu, định hướng về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học và phục vụ công tác kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác trên địa bàn tỉnh, từ đó khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, đảm bảo phát triển kinh tế -xã hội bền vững. 

Thiết bị được đầu tư gồm hệ thống máy móc, dụng cụ, vật tư, hóa chất phân tích ADN sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác (tách chiết, nhân bản, kiểm tra, định lượng ADN) phục vụ giám định, kiểm định sâm Ngọc Linh thật và giả cùng hệ thống máy móc, thiết bị, dụng cụ, vật tư, hóa chất phân tích hàm lượng Saponin và các hoạt chất sinh học khác trong sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác. 

Ngày 28/02/2023, Sở KH&CN đã hoàn thành các công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị, bàn giao cho Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học và công nghệ (đơn vị trực thuộc Sở) quản lý và vận hành đối với 2 hệ thống: Hệ thống thiết bị phục vụ công tác tách chiết, nhân bản, kiểm tra ADN với 25 thiết bị chủ yếu; Hệ thống thiết bị kiểm định thành phần hoạt chất sinh học saponin sâm Ngọc Linh với 11 thiết bị chủ yếu phục vụ công tác chuyên kiểm tra chất lượng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh. 

Sau khi đầu tư hệ thống máy móc, Sở KH&CN mời chuyên gia của Viện Di truyền và Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) đào tạo 04 cán bộ về vận hành trang thiết bị, chuyển giao quy trình kỹ thuật phân tích, kiểm định ADN sâm Ngọc Linh và phân tích hàm lượng saponin sâm Ngọc Linh. 

Đến nay, các thiết bị đã được trang bị đầy đủ, đảm bảo điều kiện để phân tích, kiểm định sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác. Các cán bộ kỹ thuật của Sở KH&CN đã được đào tạo, làm chủ được 02 quy trình kỹ thuật phân tích, kiểm định phục vụ phân biệt sâm Ngọc Linh thật, giả. Hiện đang phối hợp với các đơn vị đào tạo, chuyển giao hoàn thiện quy trình kỹ thuật phân tích, kiểm định phù hợp với điều kiện của tỉnh. 

Để phục vụ cho công tác nghiên cứu, phân tích, Sở KH&CN đã chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học và công nghệ phối hợp với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty Cổ phẩn sâm Ngọc Linh Kon Tum lấy 261 mẫu sâm để phân tích, xây dựng bộ chỉ thị chuẩn làm cơ sở phân biệt với các sâm khác. 

Để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum và quyền lợi của người trồng sâm và người tiêu dùng, ông Bùi Thanh Bình - Giám đốc Sở KH&CN thông tin, trong thời gian tới, đơn vị sẽ thông tin đến các tổ chức, cá nhân biết về việc Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học và công nghệ đã được đầu tư hệ thống máy móc và làm chủ quy trình phân tích xác định, phân biệt sâm Ngọc Linh thật hay giả; chỉ đạo Trung tâm phối hợp với các đơn vị, tổ chức được giao quản lý sâm Ngọc Linh cũng như các đơn vị, tổ chức trồng tiến hành phân tích kiểm định nhằm phát hiện sâm thật, sâm giả. 

Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp, Trường Đại học Khoa học tự nhiên hoàn thiện 2 quy trình công nghệ: Quy trình kỹ thuật kiểm định, tích xác định, phân biệt sâm Ngọc Linh và Quy trình kỹ thuật phân tích saponin tổng, phân tích định tính, định lượng một số hoạt chất saponin đặc trưng có trong sâm Ngọc Linh. 

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT (cơ quan quản lý nhà nước về giống và cây trồng) và các đơn vị liên quan, các huyện trên địa bàn tăng cường kiểm tra về giống và chất lượng cây sâm, đồng thời lấy mẫu tại vườn trồng sâm của các tổ chức, cá nhân để phân tích, kiểm tra sâm thật, sâm giả./.

 

 

Thanh Huyền-IpcKonTum
Số lượt xem:340

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467715 Tổng số người truy cập: 116 Số người online:
TNC Phát triển: