Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 5146/VPCP-QHQT ngày 12/8, gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo tình hình giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi 6 tháng đầu năm 2022.
Theo đó, xét đề nghị của Bộ Tài chính tại công văn số 6921/BTC-QLN ngày 18 tháng 7 năm 2022 về báo cáo tình hình giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài (vốn nước ngoài) 6 tháng đầu năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chỉ đạo các Bộ ngành, cơ quan, địa phương sử dụng vốn nước ngoài thực hiện các giải pháp như sau:
Nhóm giải pháp thúc đẩy việc triển khai thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành cho giải ngân: (i) Đối với chủ dự án, Ban quản lý dự án, các địa phương có dự án triển khai trên địa bàn: khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, di dân tái định cư, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên để triển khai thực hiện dự án; đẩy nhanh tiến độ thi công, chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan (tư vấn, nhà thầu) theo các nguồn vốn, bảo đảm việc thực hiện thông suốt, kịp thời phát hiện các vướng mắc để xử lý hoặc báo cáo cơ quan chủ quản xử lý theo thẩm quyền, xin ý kiến “không phản đối” của Nhà tài trợ, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng (nếu có) để có khối lượng hoàn thành; chủ động báo cáo cơ quan chủ quản và các bộ, ngành liên quan về các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời. (ii) Đối với cơ quan chủ quản dự án: các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nói chung, vốn nước ngoài nói riêng; thực hiện kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc thực hiện kế hoạch vốn của các chủ dự án; kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân; chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm bố trí đủ vốn đối ứng để thanh toán theo dự toán được giao; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để giải quyết các vướng mắc phát sinh. (iii) Đối với các cơ quan tổng hợp, thẩm định, phê duyệt: đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt đối với các nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ được giao.
Nhóm giải pháp liên quan đến điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công: Các cơ quan chủ quản cần tiến hành rà soát, đánh giá chi tiết, cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn theo thẩm quyền. Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng, phải cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch vốn được giao; tổng hợp chính xác số liệu, nêu rõ nguyên nhân của từng dự án điều chỉnh giảm, có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để phối hợp thực hiện. Người đứng đầu các bộ, ngành cam kết giải ngân 100% phần kế hoạch vốn còn lại sau khi đã được điều chỉnh giảm.
Nhóm giải pháp về điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay: (i) Đối với chương trình, dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư: các bộ, ngành, địa phương báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện thủ tục điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký (nếu có). (ii) Đối với các dự án đề xuất sử dụng vốn dư: các Bộ, cơ quan chủ quản, địa phương cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục để giải ngân phần vốn dư sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nhóm giải pháp kiểm soát chi, giải ngân: (i) Các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi ngay sau khi có khối lượng hoàn thành, bảo đảm chi trong dự toán được phân bổ, chi đúng chế độ quy định; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc giải ngân đối với các khối lượng đã được kiểm soát chi, không để tồn đọng, đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt. Các địa phương chỉ đạo các Ban quản lý dự án khẩn trương gửi đề nghị rút vốn đối với khối lượng đã được kiểm soát chi tới Bộ Tài chính để giải ngân theo quy định. (ii) Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp tháo gỡ khó khăn, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải ngân vốn nước ngoài; tiếp tục hoàn thiện quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để bảo đảm đúng thời hạn, đúng chế độ quy định, không để tồn đọng hồ sơ; phối hợp với các bộ, ngành, chủ dự án giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giải ngân thanh toán; trao đổi với nhà tài trợ phối hợp xử lý nhanh các hồ sơ giải ngân, phối hợp với các chủ dự án tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Nhóm giải pháp về hoàn thiện các văn bản pháp lý có liên quan: Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu bổ sung xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn định mức, đơn giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt để có căn cứ áp dụng, thực hiện./.