Ngày 08/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 6318/BKHĐT-PTDN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số cơ quan Trung ương về việc hướng dẫn việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2022.
Theo đó, ngày 26/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV. Trên cơ sở đó, ngày 10/5/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/6/2022. Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện để ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) vốn chi thường xuyên hỗ trợ DNNVV.
Để kịp thời hướng dẫn các Bộ ngành, địa phương triển khai hoạt động hỗ trợ DNNVV từ nguồn vốn NSNN năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các Bộ ngành, địa phương về triển khai các hoạt động hỗ trợ DNNVV năm 2022 như sau:
Về hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV năm 2022: (i) Căn cứ Khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, kể từ ngày Nghị định số 80/2021/NĐ-CP và Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành, các quy định về hỗ trợ DNNVV tại hai văn bản này bắt đầu có hiệu lực áp dụng, trong đó nội dung hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV được thực hiện theo quy định của Nghị định 80/2021/NĐ-CP (gồm cả khoản 1 và 3 Điều 33) và Thông tư 06/2022/TT-BKHĐT. (ii) Căn cứ khoản 1 Điều 11 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, điểm b khoản 2 Điều 25 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủ hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/07/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính, Thông tư số 49/2019/TT-BTC là văn bản để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong công tác quản lý ngân sách nhà nước, không phải văn bản quy định chi tiết Nghị định số 39/2018/NĐ -CP. Do vậy khi Nghị định số 39/2018/NĐ-CP hết hiệu lực thì Thông tư số 49/2019/TT-BTC không đồng thời hết hiệu lực.
Trên cơ sở đó, các đơn vị triển khai hoạt động hỗ trợ đào tạo cho DNNVV có thể áp dụng định mức hỗ trợ quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP và quy trình, thủ tục chi tiêu ngân sách theo Thông tư số 49/2019/TT -BTC của Bộ Tài chính.
Về các hoạt động hỗ trợ khác cho DNNVV và chi hoạt động quản lý: Các hoạt động hỗ trợ cho DNNVV về: công nghệ, tư vấn, hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và chi phí cho hoạt động quản lý sẽ được triển khai sau khi Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí NSNN vốn chi thường xuyên hỗ trợ DNNVV được ban hành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ ngành, địa phương khẩn trương lập kế hoạch, phê duyệt dự toán chi tiết và tổ chức triển khai trước các hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV năm 2022. Đối với các hoạt động hỗ trợ còn lại, đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động khảo sát, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp công bố rộng rãi để các DNNVV biết, tham gia sau khi Thông tư của Bộ Tài chính được ban hành./.