Một số kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình Mục tiêu quốc gia
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đã thực hiện giám sát qua Báo cáo và khảo sát, nắm tình hình thực hiện tại một số cơ quan, đơn vị về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Hai năm qua, việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Việc triển khai các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn của Trung ương và cụ thể hóa thành các quy định, hướng dẫn của địa phương được thực hiện một cách chủ động, tập trung.
Đã chủ động cân đối, bố trí ngân sách địa phương đối ứng thực hiện các chương trình MTQG. Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng triển khai thực hiện, được cụ thể hóa thành kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện từng chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 và hàng năm;… Uớc thực hiện đến hết năm 2023 có khoảng 05 xã ra khỏi xã thuộc diện đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có đất ở ước đạt 98,55%, có đất sản xuất ước đạt 98,45%.
Tổng số hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh tính đến cuối năm 2022 là 15.943 hộ, chiếm tỷ lệ 10,86% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh; tổng số hộ thoát nghèo trong năm 2022 là 6.781 hộ, tương ứng tỷ lệ giảm hộ nghèo là 4,46% đạt 111,5% so với kế hoạch đề ra (giảm ít nhất 4%/năm). Toàn tỉnh đã có 42 xã đạt chuẩn xã NTM; 04 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 19 thôn (thuộc xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới) đạt chuẩn thôn NTM…
Tuy nhiên, bên cạnh đó tiến độ xây dựng, ban hành thể chế, chính sách quản lý, tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình MTQG của bộ, ngành Trung ương chưa đồng bộ, kịp thời. Một số thông tư, văn bản của bộ, ngành Trung ương còn thiếu một số quy định, hướng dẫn chi tiết hoặc hướng dẫn chưa phù hợp với một số quy định theo pháp luật chuyên ngành hoặc chưa có sự thống nhất trong hướng dẫn thực hiện một số dự án, nội dung, hoạt động. Điều kiện địa hình khu vực nông thôn của tỉnh không thuận lợi, xuất phát điểm thấp, do đó nhu cầu nguồn lực đầu tư xây dựng NTM, thực hiện các mục tiêu giảm nghèo và các chính sách vùng đồng bào DTTS là rất lớn, nhưng việc huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách đầu tư trong thời gian qua còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế;…
Trên cơ sở kết quả giám sát, khảo sát thực tế và nội dung kiến nghị của UBND tỉnh, các ngành, địa phương của tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đồng bộ từ trung ương tới địa phương. Đảm bảo cân đối nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình MTQG.
Nghiên cứu đổi mới cơ chế huy động vốn tín dụng chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động các nguồn lực khác từ doanh nghiệp, các tổ chức, người dân, các đối tác nước ngoài. Có giải pháp phù hợp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các chương trình MTQG và thực hiện tốt Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV;…
Đề nghị các bộ, ngành, cơ quan có liên quan ở Trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG theo thẩm quyền như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét bổ sung Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện là đối tượng thụ hưởng của các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; Xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm đối với chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giai đoạn 2021-2025 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững từ “4%” thành “3-4%”.
Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan cấp tỉnh có liên quan phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông, thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý, triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời phát hiện và xử lý những vướng mắc, khó khăn theo thẩm quyền các vấn đề mới phát sinh ngay từ cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
Tăng cường lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng mục tiêu trong phân bổ, sử dụng nguồn lực tại các địa phương đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, dàn trải, hiệu quả thấp.
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc chuẩn bị công tác kế hoạch, khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất và các nhiệm vụ khác trong thực hiện các chương trình MTQG theo đúng quy định;…