Thực trạng liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến đầu tư giữa các địa phương Tây Nguyên trong thời gian qua.
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng, có diện tích tự nhiên trên 5,46 triệu ha, chiếm 16,8% diện tích cả nước, dân số trên 5,6 triệu người. Là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của cả nước; nằm trên trục xuyên Á, phía Tây kết nối huyết mạch với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, phía Đông kết nối với các tỉnh, vùng duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ.
Trong những năm qua, việc liên kết vùng giữa các địa phương Tây Nguyên trong hoạt động xúc tiến đầu tư đã được các địa phương trong khu vực, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và các ngành, các cấp có liên quan quan tâm và xem nó là một trong những giải pháp cơ bản nhằm tăng cường thu hút có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, trong đó có đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, cho đến năm 2009, được sự tham mưu của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Miền Trung và một số địa phương trong vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức phê duyệt Diễn đàn Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ nhất. Diễn đàn này được đánh giá cao tính hiệu quả thông qua việc liên kết xúc tiến đầu tư. Theo thống kê của các địa phương, từ năm 2009 đến tháng 12-2012, tổng vốn đăng ký đầu tư của Vùng đạt trên 90.000 tỷ đồng (bình quân trên 30.000 tỷ đồng/năm), tăng cao so với các năm trước đó (bình quân 16.500 tỷ đồng/năm). Kế thừa và phát huy hiệu quả của Diễn đàn lần thứ nhất, năm 2013 và 2015, các tỉnh Tây Nguyên đã liên kết cùng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 và thứ 3 với kết quả đáng khích lệ. Theo đó, Hội nghị lần thứ 2 cấp phép cho 13 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 16.149,09 tỷ đồng và 11,5 triệu USD và tại hội nghị lần 3, đã có 13 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn lên đến hơn 31.000 tỷ đồng.
Mặc dầu trong thời gian qua, công tác XTĐT đã được các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan trên địa bàn khu vực Tây Nguyên hết sức chú trọng, tuy nhiên đến nay những hoạt động XTĐT nói chung và hiệu quả “liên kết”, phối hợp giữa các địa phương trong công tác XTĐT vẫn còn bộc lộ những mặt tồn tại, hạn chế nhất định, thể hiện qua kết quả thu hút và sử dụng vốn FDI tại khu vực hiện vẫn quá khá khiêm tốn so với các vùng miền khác của cả nước, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của khu vực này. Luỹ kế đến 2016 toàn vùng thu hút được 135 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 756 triệu USD; trong đó lĩnh vực Nông nghiệp có 74 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 358 triệu USD; Công nghiệp chế biến chế tạo có 41 dự án, 208 triệu USD; Bất động sản có 2 dự án, 64 triệu USD.
* Đầu tư FDI theo địa bàn :
|
Lâm Đồng
|
Đắk Lak
|
Đak Nông
|
Gia Lai
|
Kon Tum
|
Số dự án
|
101
|
13
|
11
|
5
|
5
|
Vốn Đăng ký (USD)
|
458 triệu
|
135 triệu
|
74 triệu
|
12 triệu
|
76 triệu
|
* Đầu tư FDI theo năm (2012-2016)
|
2012
|
2013
|
2014
|
2015
|
2016
|
Số Dự án
|
14
|
5
|
11
|
8
|
4
|
Tổng VĐT (triệu USD)
|
90
|
6
|
33
|
41
|
41
|
Một số yếu tố thuận lợi trong hoạt động liên kết xúc tiến đầu tư
- Vị trí địa lý và lợi thế so sánh của Vùng
Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước; nằm trên trục xuyên Á, có hành lang tự nhiên kết nối với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan thông qua các cửa khẩu quốc tế trên tuyến hành lang Đông - Tây và hệ thống giao thông tương đối đồng bộ kết nối giữa các tỉnh trong vùng và với các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ
Tây Nguyên có một tài nguyên rừng phong phú, hệ động thực vật đa dạng, có điều kiện rất tốt để phát triển nghề rừng và công nghiệp rừng. Bên cạnh tài nguyên rừng, Tây Nguyên còn có lợi thế lớn về đất, trong đó nổi bật là đất đỏ bazan với khoảng 1,5 triệu ha. Diện tích đất sản suất nông nghiệp trên 2,4 triệu ha, trong đó khoảng 1 triệu ha đất trồng cây hàng năm; 1,42 triệu ha đất trồng cây lâu năm; Năm 2015, Tây Nguyên có 3,35 triệu ha đất lâm nghiệp; trong đó có 2,57 triệu ha rừng (2,25 triệu ha rừng tự nhiên), chiếm 18,7% toàn quốc, độ che phủ đạt 45,8%; có hệ động thực vật đa dạng với nhiều loài quý hiếm. Đây là điều kiện rất tốt để phát triển nghề rừng và công nghiệp rừng như ngành công nghiệp chế biến gỗ, bột giấy, sản xuất nông lâm kết hợp dưới tán rừng, phát triển nghề rừng kết hợp với chăn nuôi đại gia súc, du lịch sinh thái.
Tây Nguyên còn là vùng đất lý tưởng để phát triển du lịch. Hệ sinh thái đa dạng, phong phú đã tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng với nhiều Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 32 loài động vật quý hiếm có trong danh sách đỏ và 17 loài được Hiệp hội bảo vệ thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp vào danh sách động vật quý hiếm của thế giới cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
- Về định hướng, cơ chế chính sách phát triển, ưu đãu đầu tư
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm chăm lo đầu tư, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển. Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010”, Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 18/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020; Quyết định số 2162/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 3936/QĐ-BGTVT của Bộ Giao Thông Vận tải về việc Phê duyệt phương hướng, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên đến 2015, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 183/2004/QĐ-TTg nâng mức hỗ trợ vốn ngân sách trung ương cho việc đầu tư khu công nghiệp đối với các địa phương...
Đối với cơ chế ưu đãi đầu tư, hiện nay, theo qui định của Luật Đầu tư năm 2014 và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn, thi hành Luật Đầu tư 2014 thì địa bàn Tây Nguyên do có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên được hưởng cơ chế ưu đãi cao hơn so với một số vùng miền khác trong cả nước. Ngoài ra, các địa phương trong khu vực ban hành nhiều cơ chế ưu đãi và hỗ trợ đầu tư riêng góp phần thu hút các nguồn vốn đầu tư vào địa phương.
Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vùng Tây Nguyên đã có sự chuyển biến tích cực, toàn diện và có ý nghĩa rất quan trọng; bước đầu phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, mở rộng sản xuất hàng hóa, tạo được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, thu nhập bình quân đầu người từ 2,9 triệu đồng (năm 2001) đã tăng lên gấp 12 lần đạt 36,15 triệu đồng (năm 2015); Đến tháng 6-2013, đã đầu tư 207 km đường giao thông, tổng mức đầu tư gần 5 nghìn tỷ đồng. Về hoạt động tín dụng, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Tây Nguyên đến cuối năm 2012 đạt 104.483 tỷ đồng, tăng 13,46% so với cuối năm 2011 (cao hơn mức chung cả nước).
Một số vấn đề khó khăn trong hoạt động liên kết xúc tiến đầu tư:
- Công tác XTĐT nói chung, đặc biệt xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn còn rất mới mẻ, khó khăn đối với các địa phương khu vực Tây Nguyên nên việc triển khai hoạt động này thời gian qua chắc chắn còn nhiều hạn chế.
- Mô hình hoạt động các cơ quan XTĐT tại khu vực (cũng như cả nước nói chung) đến nay vẫn không đồng nhất, khá chồng chéo, gây nhiều khó khăn, trở ngại đối với việc phối hợp, liên kết các hoạt động XTĐT.
- Sự phối hợp giữa các cơ quan XTĐT địa phương, giữa các địa phương với nhau còn khá rời rạc, thiếu thống nhất, dẫn đến hiện tượng “chồng lấn”, gây lãng phí về thời gian và kinh phí. Khi xây dựng, triển khai các hoạt động XTĐT trong nước cũng như ở nước ngoài, hầu hết các tỉnh đều làm một mình mà rất ít khi tham khảo hay mời những tỉnh khác tham gia. Trong tác nghiệp XTĐT cụ thể và tiếp nhận, thụ lý hồ sơ hàng ngày cũng hiếm có sự trao đổi, tham vấn lẫn nhau. Giữa các tỉnh chưa có sự trao đổi, cung cấp thông tin đối tác lẫn nhau, dẫn đến tình trạng nhà đầu tư không đủ năng lực nhưng được “chào đón” tại nhiều nơi.
- Nguồn lực hỗ trợ (chủ yếu từ TW) còn hạn chế nên các hoạt động XTĐT tại khu vực đến nay chỉ ở qui mô và chất lượng khiêm tốn. Các tỉnh Tây Nguyên do điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nên hầu như chưa có điều kiện kinh phí để thực hiện tốt công tác quảng bá XTĐT, chưa chủ động tổ chức các diễn đàn XTĐT có qui mô lớn, đặc biệt là những đoàn XTĐT ra nước ngoài...
- Đến nay vẫn chưa hình thành chiến lược XTĐT dài hạn chung cho toàn khu vực, trong đó định hướng cụ thể cho từng thời kỳ, nhất là chưa có cơ quan đảm trách cung cấp thông tin về những đối tác đầu tư lớn. Rõ ràng, hiện nay rất cần một cơ quan đủ thầm quyền, năng lực về cả hành chính, kinh phí, thông tin để làm đầu mối dẫn dắt, ban hành qui định và hướng dẫn hoạt động XTĐT một cách đồng bộ, có hệ thống và gắn kết được các địa phương trong khu vực.
- Đội ngũ cán bộ trẻ làm công tác XTĐT hiện nay của khu vực còn thiếu kinh nghiệm thực tế, trình độ chuyên môn nghiệp vụ (nhất là kỹ năng sử dụng ngoại ngữ) còn rất hạn chế.
Mô hình liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến đầu tư có hiệu quả của Vùng Nagoya – Nhật Bản
Sáng kiến Vùng Nagoya Greater (GNI)
Nhằm thúc đẩy khu vực Greater Nagoya – Nhật Bản, GNI được thành lập vào tháng hai năm 2006, với sự tham gia của các tổ chức đa dạng bao gồm chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, tài chính, doanh nghiệp tư nhân, các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu và một số cơ quan Trung ương (Tổ chức thúc đầy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) và Cục Kinh tế Chubu, Đại điện Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI Chubu). Với ý định tạo ra cơ hội kinh doanh mới và theo đuổi thực hiện của một xã hội kinh tế sáng tạo hàng đầu thế giới bằng cách tăng cường xúc tiến, cung cấp thông tin ra thế giới bên ngoài, thu hút các mô hình, doanh nghiệp có công nghệ cao và những cá nhân sáng tạo cho khu vực và hoạt động xúc tiến kinh doanh song phương ra bên ngoài Nhật Bản.
Các hoạt động và thành tựu của GNI.
Đã tiếp cận được 814 công ty nước ngoài, tổ chức 64 hội thảo thu hút 6.598 người tham dự. Đã tổ chứ khoảng 2.800 cuộc thăm viếng các các công ty nước ngoài. Các doanh nghiệp sau đó đã triển khai các mối quan hệ đạt được sau các cuộc viếng thăm nhau.
Đã tổ chức 57 đoàn vận động đầu tư ở nước ngoài đến 348 công ty tại 19 quốc gia. Thu hút được 2.660 đại biểu tham dự. Gần 1.000 cuộc kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp (business matching) được tổ chức.
Kết quả đã thu hút được 121 công ty tại các quốc gia lớn trên thế giới đăng ký đầu tư tại khu vực, như Hoa Kỳ, Đức, Anh, Bỉ...Hiện nay, vùng đang tập trung thu hút đầu tư lĩnh vực hàng không dân dụng, tập trung vào các đối tác Châu Âu, Mỹ. Đã xây dựng 1 khu công nghiệp để thu hút đầu tư lĩnh vực này.
Mô hình hoạt động của GNI:
Gợi ý một số giải pháp về liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến đầu tư.
- Thống nhất nhận thức về vai trò của liên kết vùng trong hoạt động XTĐT, trong đó, có đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Tây Nguyên. Đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của các địa phương trong Vùng phải là những người tiên phong nhận thức rõ về tính cấp thiết và sự tất yếu của việc liên kết, là những người giữ vai trò xúc tác trong việc tham gia hình thành liên kết, cũng như đóng vai trò chỉ đạo, quyết định việc quyết tâm triển khai thực hiện các nội dung liên kết đối với từng địa phương.
- Tăng cường sự phối hợp giữa các tỉnh trong việc nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội và xây dựng các định hướng thu hút FDI. Chú trọng đổi mới và làm tốt công tác xây dựng và quản lý thực hiện quy hoạch theo các tiêu chí như hướng đến yếu tố “liên kết vùng”, chuyên nghiệp, chất lượng và sát với thực tế, đặc biệt trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, phát triển các KKT và KCN, đất đai, tài nguyên môi trường, nguồn nhân lực...
- Xây dựng và thực hiện mô hình, cơ chế phối hợp liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến đầu tư cho vùng Tây Nguyên. Hiện nay, 05 địa phương đều có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư khá tương đồng với nhau nên việc nghiên cứu xây dựng một mô hình, cơ chế phối hợp liên kết vùng có hiệu quả trong tổ chức hoạt động XTĐT cho vùng Tây Nguyên nói riêng và cả khu vực miền Trung nói chung là giải pháp hết sức cần thiết, cấp bách trong thời gian sắp đến. Thực hiện được việc này sẽ khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lặp, thậm chí cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các địa phương và tạo nên “lợi thế động”, sức mạnh tổng hợp cho toàn vùng trong quảng bá, XTĐT các nguồn vốn trong và ngoài nước.
- Tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các địa phương khi thực thi các chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư. Các tỉnh cần tổ chức thành lập tổ liên ngành tư vấn, hỗ trợ giải quyết những vấn đề khó khăn cho các nhà đầu tư và phối hợp với nhau trong việc giải quyết các khó khăn mang tính chất liên vùng Tây Nguyên. Thành viên tổ liên ngành bao gồm Lãnh đạo UBND tỉnh và các Sở, Ngành liên quan như KH-ĐT, Tài chính, Công thương, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Cục thuế, Hiệp hội doanh nghiệp...
- Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu XTĐT chung cho Vùng. Như: bộ cơ sở dữ liệu chung phục vụ hoạt động XTĐT, phát triển kinh tế - xã hội của Vùng; cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực thu hút, hợp tác đầu tư; cơ sở dữ liệu về các nhà đầu tư tiềm năng, bằng cách liên hệ với các tổ chức trung gian (Đại sứ quán, đại diện ở nước ngoài của Bộ KH-ĐT, công ty tư vấn, môi giới, các Trung tâm/Hiệp hội XTĐT, thương mại…) hoặc thông qua mối quan hệ với những nhà đầu tư hiện tại.
- Nâng cao vai trò điều phối vùng, hướng dẫn và hỗ trợ địa phương của Trung tâm XTĐT miền Trung - Bộ KH-ĐT cần tăng cường sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhằm phát huy vai trò đầu tàu, “nhạc trưởng” trong các hoạt động quảng bá, XTĐT theo hướng liên kết vùng, liên ngành và có trọng tâm, trọng điểm đối với Tây Nguyên, đồng thời gắn với chương trình XTĐT Quốc gia hàng năm. Trung tâm XTĐT miền Trung dưới sự chỉ đạo của Cục Đầu tư nước ngoài cùng với Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên sẽ là mắc xích quan trọng trong việc liên kết 05 địa phương trong Vùng lại với nhau để có những chiến lược, chương trình XTĐT thống nhất, không chỉ về các mặt nội dung, thời gian và địa điểm mà còn thống nhất cả trong các công tác tổ chức thực hiện, tổng hợp báo cáo và đánh giá hiệu quả.
- Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Thực hiện XTĐT có trọng tâm, trọng điểm, tập trung những đối tác lớn, các tập đoàn quốc gia, dự án sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển công nghiệp phụ trợ...Tăng cường sự phối hợp thường xuyên, có hiệu quả với các bộ phận đầu mối chuyên trách hỗ trợ nhà đầu tư Nhật Bản (Japan Desk), Hàn Quốc (Korea Desk)...trong chương trình công tác hàng năm của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) để xúc tiến nguồn FDI tiềm năng từ các thị trường quan trọng này. Đẩy mạnh công tác truyền thông thông tin, đặc biệt tiếp cận quảng bá trên các tạp chí, tờ báo, truyền hình chuyên đề tại quốc gia đầu tư.
- Coi trọng cải thiện môi trường đầu tư và “XTĐT tại chỗ”, tăng cường đối thoại và hỗ trợ các nhà đầu tư hiện hữu giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo triển khai dự án có hiệu quả để họ tiếp tục đầu tư lâu dài, mở rộng quy mô dự án. Đây mới chính là những minh chứng thuyết phục nhất, hình ảnh tốt để XTĐT các nhà đầu tư mới.
- Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên cần phải tiếp tục cải thiện và hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chú trọng làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để kịp thời giao đất sạch cho nhà đầu tư, phối hợp thực hiện những chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư của Trung ương và địa phương một cách nhất quán và minh bạch...
- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hoặc phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước đào tạo, nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Anh chuyên ngành và các ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm cơ sở dữ liệu, website...cho cán bộ làm công tác XTĐT của Vùng và của từng địa phương. Về lâu dài, cần có chiến lược đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nhật, Hoa…) cho đội ngũ này để đủ sức làm việc trực tiếp, chuyên nghiệp với các đối tác đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các TNC lớn hay nhà đầu tư khó tính như Nhật Bản.
- Nghiên cứu việc thành lập tổ chức liên kết (Hội đồng hoặc Câu Lạc Bộ) và Quỹ XTĐT chung cho Vùng. Quỹ XTĐT chung trước mắt dựa trên cơ sở sự đóng góp của các địa phương trong Vùng cũng như kêu gọi sự tài trợ, ủng hộ từ Trung ương. Về lâu dài cần huy động vốn từ các tổ chức tài chính, doanh nghiệp lớn và các thành viên. Tổ chức này có nhiệm vụ thường xuyên cập nhật và trao đổi thông tin phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong, các khó khăn vướng mắc, các yêu cầu hỗ trợ, hợp tác của từng địa phương trong việc XTĐT và bước đầu trong quá trình triển khai dự án. Hướng đến Xây dựng chiến lược, chương trình hành động xúc tiến đầu tư thống nhất vùng Tây Nguyên. Đây là nền tảng, “kim chỉ nam” dẫn dắt hoạt động XTĐT theo hướng liên kết vùng, hiệu quả và bền vững. Việc nghiên cứu xây dựng chiến lược XTĐT với tầm nhìn trung hạn (5- 10 năm), mang tính thống nhất cao từ Trung ương đến địa phương cho vùng Tây Nguyên trên cơ sở phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế chung của Vùng và lợi thế so sánh của mỗi địa phương là một giải pháp hết sức cần thiết và cấp bách. Đặc biệt, bản chiến lược này cần phải được cụ thể hóa thành các kế hoạch hành động ngắn hạn, hàng năm.
Tham khảo:
- Báo cáo số 30-BC/BCĐTN về tình hình kinh tế Tây Nguyên 5 năm 2011-2015 của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên ngày 5/12/2016
- Báo cáo Số liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài lũy kế đến 2016
- Quyết định 936/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ ngày 18/7/2012 v/v phê duyệt Quy hoạch tổng thể Phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên đến năm 2020
- Bài phát biểu của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tại Hội nghị Liên kết xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên và Thúc đẩy giải ngân các cam kết đầu tư, tín dụng và an sinh xã hội năm 2013
- Bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên tại Hội nghị XTĐT Tây Nguyên lần 2
- Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị XTĐT Tây Nguyên lần 2 “Hoạt động tín dụng Ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên”
- http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/lien-ket-phat-trien-vung-tay-nguyen-chua-dat-ket-qua-nhu-mong-muon-29886.html
http://www.lamdong.gov.vn/viVN/a/sokhdt/tintuc/Pages/HoinghitongketDiendanxuctien.aspx
http://greaternagoya.org/ Website của tổ chức liên kết xúc tiến đầu tư vùng Nagoya Nhật Bản
- Phạm Thị Vân “Liên kết nội vùng trong phát triển bền vững vùng Tây Nguyên” (Mã số TN3/X16)
- Nguyễn Văn Tài Đề tài: “Vấn đề quốc phòng và an ninh trong phát triển bền vững Tây Nguyên” (Mã số TN3/X11).
Tác giả: Lê Minh Dương – Phó Giám đốc
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư miền Trung
Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Theo http://centralinvest.gov.vn