Quy chế quản lý sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh
Tại Quyết định số 51/2024/QĐ-UBND ngày 09/10/2024, UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/10/2024.
Quy chế này quy định việc quản lý sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng từ ba (03) sao trở lên, còn thời hạn theo quy định thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Về kiểm soát quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ, tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch thực hiện kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; Áp dụng và duy trì chính sách chất lượng mà Chủ thể OCOP đã công bố; Tăng cường tự kiểm soát, giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm; Vận hành chương trình giám sát và quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch.
Quy trình quản lý sản xuất sản phẩm hàng hóa phải đảm bảo thiết bị sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn quy định, nhằm đảm bảo tối đa chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch, đặc biệt là các dịch vụ lữ hành, lưu trú, vận chuyển khách du lịch, hướng dẫn du lịch, ăn uống và dịch vụ du lịch khác tại các khu du lịch cộng đồng, khu du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Kiểm soát chất lượng nguyên liệu, chất lượng thiết bị, chất lượng bao bì chứa đựng sản phẩm của Chủ thể OCOP, chất lượng về điều kiện kinh doanh dịch vụ, chất lượng về an toàn và an ninh trật tự, chất lượng về sản phẩm dịch vụ du lịch, chất lượng phục vụ nhằm đảm bảo và duy trì chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch.
Sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận là sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm OCOP tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ và được cấp có thẩm quyền theo sự phân cấp (UBND tỉnh hoặc UBND cấp huyện) công nhận đạt ba sao, bốn sao, hoặc được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đạt năm sao theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh và các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức hoạt động kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; Tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định, kế hoạch cụ thể trong hoạt động kiểm tra, giám sát (nếu cần); Tổ chức hoạt động xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP chung (hệ thống truy xuất, tem truy xuất)...