banner
Thứ 3, ngày 22 tháng 4 năm 2025
Triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2020 và giai đoạn 3 năm (2018-2020) trên địa bàn tỉnh Kon Tum
2-4-2021

Triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2020  và giai đoạn 3 năm (2018-2020) trên địa bàn tỉnh Kon Tum

CT

     Ngày 1/4/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã có báo cáo số 89/BC-UBND, đánh giá tình hình triển khai Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi tắt là Luật Hỗ trợ DNNVV) năm 2020 và giai đoạn 3 năm (2018-2020) trên địa bàn tỉnh Kon Tum, cụ thể như sau:

     1. Tổng quan về hoạt động DNNVV từ năm 2018 đến nay

     Thời gian qua mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có bước phát triển nhất định, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2020, số doanh nghiệp mới đăng ký thành lập là 374 với số vốn đăng ký đạt 3.121 tỷ đồng (tăng 29,4% về số lượng doanh nghiệp và 14,3 % về tổng vốn đăng ký so với năm 2019); năm 2019 số doanh nghiệp mới đăng ký thành lập là 289 với số vốn đăng ký đạt 2.730,1 tỷ đồng (tăng 17% về số lượng doanh nghiệp và 53,8 % về tổng vốn đăng ký so với năm 2018). Vốn sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm của doanh nghiệp năm 2018 đạt 32.402 tỷ đồng năm 2019 đạt 42.231 tỷ đồng; giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp năm 2018 đạt 13.641 tỷ đồng, năm 2019 đạt 24.420 tỷ đồng; doanh thu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp năm 2018 đạt 26.644 tỷ đồng, năm 2019 đạt 34.479 tỷ đồng. Đóng góp của khu vực doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước trung ương, địa phương quản lý, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế ngoài quốc doanh) vào thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2019 đạt 1.312,35 tỷ đồng, chiếm 40,3% tổng thu ngân sách. Cộng đồng doanh nghiệp đã tạo ra thu nhập bình quân một tháng của người lao động trong doanh nghiệp năm 2018 đạt 5,722 triệu đồng, năm 2019 đạt 9,111 triệu đồn.

     Tuy nhiên, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn là Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 97,7% tổng số doanh nghiệp) nên có quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp, năng lực quản trị, điều hành kinh doanh còn yếu, thiếu chiến lược kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp của Doanh nghiệp thấp, năng suất lao động và giá trị gia tăng cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn rất thấp, các doanh nghiệp chưa chú trọng việc tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu, kỹ năng và tay nghề lao động trong các doanh nghiệp chưa cao, số lượng doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất kinh doanh còn thấp.

      2. Công tác tổ chức triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV

      Thực hiện quy định của Luật hỗ trợ DNNVV và Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 532/KH-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2018, Kế hoạch số 2883/KH-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2020, Công văn số 2601/UBND-KTTH ngày 20 tháng 7 năm 2020, xây dựng Đề án hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025 và các văn bản khác để triển khai các nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Tổ chức tuyên truyển phổ biến Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản pháp luật; xây dựng chương trình đề án hỗ trợ DNNVV; hỗ trợ chính sách tín dụng; Hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ đăng ký quyền bảo hộ, hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.

     Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban ngành và đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyển, phổ biến các nội dung hỗ trợ quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ ngành trung ương, Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ và các chương trình, kế hoạch hỗ trợ DNNVV của tỉnh thông qua các hoạt động cụ thể như: đăng tải thông tin lên trang thông tin điện tử của các đơn vị, cung cấp thông tin tại các buổi đối thoại doanh nghiệp, Lễ kỷ niệm ngày doanh nhân,... Qua đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cơ bản nắm bắt các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

      3. Kết quả thực hiện hỗ trợ DNNVV

     a) Hỗ trợ tiếp cận tín dụng

      Tỉnh đã tạo điều kiện, hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các chính sách tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam nhằm tăng dự nợ vay đối với DNNVV, trong đó có các DNNVV phục vụ một số ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên của Chính phủ phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chỉ đạo triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của Covid -19 theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNH ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đẩy mạnh việc triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; cải tiến quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa, ứng dụng công nghệ. Đến nay, tổng dự nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 34.500 tỷ đồng, trong đó đối với thành phần doanh nghiệp ước đạt 11.400 tỷ đồng. Hoạt động tín dụng đã đảm bảo cung ứng vốn kịp thời cho các doanh nghiệp phục vụ sản xuất, kinh doanh.

     Ngoài ra, Tỉnh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, Quỹ Đầu tư phát triển của tỉnh, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh…

     b) Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV

Việc thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên bàn tỉnh là cần thiết. Tuy nhiên, tại khoản 1, Điều 5 Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định vốn điều lệ thực có tối thiểu tại thời điểm thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng là 100 tỷ đồng do ngân sách cấp tỉnh cấp. Trong điều kiện ngân sách tỉnh đang còn khó khăn nên tỉnh chưa thể bố trí cấp đủ số vốn điều lệ để thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi ngân sách tỉnh đảm bảo điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định.

     c) Hỗ trợ thuế và kế toán

     Cơ quan quan thuế trên địa bàn tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai để được hưởng các ưu đãi như:

     - Về thuế thu nhập doanh nghiệp: Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư mới/dự án đầu tư mở rộng đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn ưu đãi đầu tư; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản.

     - Ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất: Triển khai phổ biến kịp thời đến các doanh nghiệp về các văn bản mới liên quan đến ưu đãi thuế, miễn giảm thuế.

     Cơ quan thuế cũng đã phối hợp với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận và có sự lựa chọn dịch vụ về kê khai thuế, hóa đơn điện tử, phần mềm kế toán,... phù hợp với mô hình hoạt động của doanh nghiệp; tổ chức tập huấn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Thông tư số 132/2018/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2018. Ngoài ra, các đơn vị đã triển khai tích cực việc hỗ trợ người nộp thuế thực hiện đăng ký thuế qua mạng, kê khai thuế qua mạng, quyết toán thuế, miễn, giảm thuế, hoàn thuế điện tử, qua đó giúp doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính thuế được nhanh gọn, rút ngắn thời gian giải quyết.

     d) Hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh

     Tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm quỹ đất để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các dự án hình thành cánh đồng lớn; đồng hành cùng các doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; rà soát, bố trí quỹ đất phù hợp vào Quy hoạch sử dụng đất và Kế hoạch sử dụng đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp, khu chế biến nông lâm sản, thủy sản tập trung cho DNNVV. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng chính sách hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho DNNVV tại các khu, cụm công nghệ trên địa bàn tỉnh.

     Tính đến tháng 3 năm 2021 tại các khu, cụm công nghiệp (thuộc Ban quản lý khu kinh tế tỉnh) có khoảng 77 doanh nghiệp với 81 dự án đăng ký sản xuất, kinh doanh, bao gồm: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y có 44 doanh nghiệp với 47 dự án; Khu công nghiệp Hòa Bình có 29 doanh nghiệp với 30 dự án; Khu công nghiệp Sao Mai 02 doanh nghiệp với 02 dự án; Cụm công nghiệp Đăk La có 02 doanh nghiệp, với 02 dự án. Tổng số lao động hiện có khoảng 2.467 người (Khu công nghiệp Hoà Bình: 1.196 người; Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y: 1.255 người; Cụm Công nghiệp Đăk La: 16 người). Hầu hết các doanh nghiệp thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chủ yếu chế biến Lâm – Nông sản; kinh doanh thương mại, dịch vụ, may mặc, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

     đ) Hỗ trợ công nghệ

   Việc hỗ trợ công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho DNNVV được triển khai lồng ghép tại các Chương trình, Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh như: Quyết định số 554/QĐ-UBND ngày 19 tháng 6 năm 2017; Kế hoạch số 1326/KH-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2017; Kế hoạch số 2217/KH-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2019; Kế hoạch số 2763/KH-UBND ngày 21 tháng 10 năm 2019; Kế hoạch số 436/KH-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2021. Quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ công nghiệp đã đạt được kết quả như sau:

    - Đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ (mở rộng phạm vi từ 2 xã của huyện Tu Mơ Rông thành 9 xã: 6 xã của huyện Tu Mơ Rông và 3 xã của huyện Đăk Glei); chỉ dẫn địa lý Đăk Hà cho sản phẩm cà phê Đăk Hà và Nhãn hiệu chứng nhận cho 22 sản phẩm, nhóm sản phẩm đặc sản của huyện Kon Plong, Nhãn hiệu chứng nhận Đảng sâm, Đương quy, Ngũ vị tử của huyện Tu Mơ Rông....; đã nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Cà phê xứ lạnh Kon Tum, Đảng sâm, Ngũ vị tử, Ý dĩ, Lan kim tuyến, Đương quy, Nghệ vàng, Sa nhân tím, Đinh lăng, Nấm linh chi Kon Tum (Đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ); đang triển khai 03 dự án đăng ký Nhãn hiệu chứng nhận Dệt thổ cẩm Kon Tum, Gạo thơm Đăk Hà và Yến sào Kon Tum.

     - Đã đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt 02 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi hỗ trợ cho doanh nghiệp ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất và chế biến các loài dược liệu tại địa phương.

     - Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt triển khai thực hiện 03 đề tài, dự án tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với mục tiêu: chuyển giao, ứng dụng công nghệ sản xuất cao Đương quy, sản xuất và sơ chế Gấc theo tiêu chuẩn GACP-WHO, thử nghiệm nuôi tôm càng xanh trong ao đất, với kinh phí hỗ trợ 1,6 tỷ đồng… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản và đa dạng các sản phẩm chế biến từ dược liệu của tỉnh.

     - Tổ chức 01 hội nghị thông tin, tuyên truyền về năng suất chất lượng; phổ biến các văn bản có liên quan; giới thiệu nội dung, cách thức tham gia dự án, chính sách hỗ trợ và vận động doanh nghiệp tham gia dự án; tổ chức 01 khóa đào tạo nhận thức chung về các hệ thống quản lý tiến tiến, các công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng cho lãnh đạo, cán bộ quản lý, chuyên môn của các doanh nghiệp; tổ chức 01 khóa chuẩn hóa, xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đăng ký sử dụng mã số mã vạch cho lãnh đạo, cán bộ quản lý, chuyên môn các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trên địa bàn tỉnh; tổ chức 01 khóa đào tạo kiến thức về khai thác, xác lập quyền sở hữu trí tuệ và phát triển tài sản trí tuệ cho lãnh đạo, cán bộ quản lý, chuyên môn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

     - Lựa chọn 24 doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc đối tượng của dự án để hướng dẫn đăng ký tham gia dự án và hỗ trợ cho 24 doanh nghiệp này triển khai thực hiện các nội dung: xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm, hàng hóa; triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, các công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng; đăng ký, sử dụng mã số mã vạch. Tổng số tiền hỗ trợ là 427 triệu đồng, vốn đối ứng của doanh nghiệp là 317 triệu đồng.

      - Đã tổ chức thành công Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kon Tum lần thứ 01 năm 2020; dự kiến thời gian tới tiếp tục tổ chức, triển khai Cuộc thi và Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kon Tum lần thứ 2 năm 2021.

     e) Hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung

     Đã hướng dẫn cho các tổ chức, cơ sở đáp ứng các điều kiện thành lập cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định tại Thông tư 27/2013/TT-BKHCN ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ làm hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao để được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định tại Điều 22, Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008.

     g) Hỗ trợ mở rộng thị trường

    Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Kon Tum; Chương trình khuyến công tỉnh Kon Tum hàng năm và giai đoạn 5 năm nhằm hỗ trợ tối đa cho các DNNVV phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, giới thiệu quảng bá sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp… Triển khai thực hiện Chương trình ký kết hợp tác phát triển giữa tỉnh Kon Tum và Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội; giữa Sở Công Thương Kon Tum và Sở Công Thương các tỉnh … chỉ đạo Trung tâm Khuyến công-XTTM tổ chức nhiều đoàn dự các Hội nghị kết nối giao thương, Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa với các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Đà Nẵng… nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Kon Tum đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối của các tỉnh và ngược lại tạo ra giá trị liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

     Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho 12 đơn vị trên địa bàn tỉnh với các nội dung: Thiết kế logo, thiết kế nhãn hiệu, thiết kế kiểu dáng công nghiệp, đăng ký mã vạch, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu,... với tổng kinh phí thực hiện 136 triệu đồng. Tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh với tổng kinh phí 95,5 triệu đồng với 18 cơ sở được hỗ trợ và 24 sản phẩm được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là sản phẩm CNNT cấp tỉnh; Được công nhận sản phẩm công nghiệp tiêu biểu cấp khu vực với 07 sản phẩm; Cấp quốc gia 2 sản phẩm: cà phê Đak Mark túi lọc chồn, nước ép sim rừng. Hiện đang đề xuất Hội đồng bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu quốc gia xem xét bình chọn cho 03 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp tiêu biểu cấp khu vực năm 2020 bình chọn  sản phẩm công nghiệp tiêu biểu cấp quốc gia.

     Tổ chức điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh. Phối hợp với Siêu thị và các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP đưa sản phẩm OCOP vào điểm bán hàng OCOP của tỉnh nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng trong tỉnh và khách du lịch ngoài tỉnh tiếp cận các sản phẩm OCOP được sản xuất trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện mở rộng thị trường các sản phẩm OCOP.

     h) Hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý

     Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch về công tác PBGDPL; hòa giải ở cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật. Định kỳ hàng quý, giao Sở Tư pháp có văn bản hướng dẫn các ngành, địa phương tổ chức triển khai công tác PBGDPL nói chung, thông tin, phổ biến, giới thiệu các văn bản liên quan đến doanh nghiệp nói riêng như: Luật Doanh nghiệp; Luật Hỗ trợ DNNVV; ...

     Việc tuyên truyền, phổ biến Luật Hỗ trợ DNNVV còn được thực hiện thông qua biên soạn, in ấn, phát hành các loại tờ gấp, tài liệu hỏi đáp pháp luật. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, đăng tải các tin, bài trên Trang Thông tin điện tử nhằm phản ánh đời sống chính trị - xã hội, phản ánh thực trạng thi hành pháp luật, vi phạm pháp luật, giới thiệu văn bản, chính sách mới, trong đó có các văn bản liên quan đến doanh nghiệp. Các thông tin về kế hoạch, chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đều được công bố trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Các doanh nghiệp được tiếp cận, sử dụng miễn phí các thông tin về doanh nghiệp (trụ sở, điện thoại, người đại diện, ngành nghề kinh doanh), các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, các thông tin về địa bàn, lĩnh vực ưu đãi đầu tư... trên Cổng thông tin điện tử.

     Việc xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật: Thực hiện Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch để tổ chức thực hiện. Hiện nay đã thu thập, cập nhật tình trạng hiệu lực của 1037 văn bản. Việc đăng tải, cập nhật hiệu lực của văn bản đã được thực hiện theo đúng quy định của Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2015 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

     Xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Đã cử 01 tổ chức và 01 cá nhân tham gia mạng lưới tư vấn viên của Bộ Tư pháp theo quy định. Bộ Tư pháp đã phê duyệt danh sách cá nhân, tổ chức tham gia mạng lưới tư vấn viên pháp luật của Bộ Tư pháp tại Quyết định số 1322/QĐ-BTP ngày 01 tháng 6 năm 2020.

     Về hỗ trợ pháp lý: Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và tổ chức triển khai thực hiện với các nội dung phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương; đề xuất, kiến nghị đối với các nhóm hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa . Trong năm 2019, đã phối hợp với Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho đối tượng là những người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; một số Luật gia; Luật sư; người làm công tác pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện Phòng Tư pháp, Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thành phố; cán bộ pháp chế của doanh nghiệp thuộc thuộc sở hữu nhà nước do địa phương quản lý; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Kon Tum; thành viên Câu lạc bộ doanh nhân trẻ tỉnh Kon Tum.

     i) Hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh; DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết và chuỗi giá trị

     - Về hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh: Bên cạnh các hoạt động phổ biến tuyên truyền, khuyến khích các hộ kinh doanh có đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp, các sở ban ngành triển khai các hỗ trợ như: Tư vấn, hỗ trợ thủ tục pháp lý cho hộ kinh doanh khi chuyển đổi thành doanh nghiệp; giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký doanh nghiệp đúng hoặc sớm hơn thời gian quy định; thực hiện miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp lần đầu, miễn phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp; kiểm tra, rà soát, thống kê số lượng hộ kinh doanh trên địa bàn có sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và yêu cầu các hộ chuyển đổi thành doanh nghiệp theo quy định.

     - Về hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết và chuỗi giá trị: Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng các nội dung hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Theo đó, dự kiến hỗ trợ 02 doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị dược liệu với số tiền hỗ trợ khoảng 150 triệu đồng từ nguồn kinh phí của địa phương.

     - Về hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo: Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017-2020 tại Quyết định số 414/QĐ-UBND ngày 17 tháng 5 năm 2017; Kế hoạch số 2763/KH-UBND  ngày 21 tháng 10 năm 2019 Về Hỗ trợ hệ sinh  thái  khởi  nghiệp đổi  mới  sáng  tạo  tỉnh  Kon Tum giai đoạn  2019-2025; thành lập Hội đồng tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum; Chương trình hành động triển khai thực hiện 03 lĩnh vực đột phá phát triển kinh tế -xã hội năm 2019  trên  địa  bàn  tỉnh  Kon  Tum tại Quyết  định  số  31/QĐ-UBND,  ngày 10 tháng 01 năm 2019. Trên cơ sở đó, Hội đồng Tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum ban hành Quy trình xét duyệt dự án, ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Kon Tum; thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum theo mô hình quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo nghị định số 30/2012/NĐ-CP, ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ; ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025.

     Qua đó, Mạng lưới thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ khởi nghiệp bước đầu hình thành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ các Doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp thông qua việc tổ chức tuyên truyền, xét duyệt dự án ý tưởng khởi nghiệp và thực hiện hỗ trợ các dự án, ý tưởng khởi nghiệp bằng nguồn vốn của đơn vị hoặc nguồn vốn huy động được, cụ thể: Hội LHPN tỉnh đã kết nối, phối hợp với Trung ương Hội và các tổ chức, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh hỗ trợ gần 1,5 tỷ đồng để hiện thực hóa 12 ý tưởng khởi nghiệp của hội viên phụ nữ. Kết nối, với doanh nghiệp ngoài tỉnh ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho 05 tổ hợp tác/tổ liên kết do phụ nữ thành lập; tổ chức và tham gia nhiều sự kiện quảng bá, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp của Hội viên phụ nữ. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã nhận được hồ sơ 08 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của đoàn viên thanh niên đề nghị hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh tế, đã có 03 dự án được vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 300.000.000 đồng từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm kênh Trung ương đoàn. Trường Cao đẳng cộng đồng; Phân hiệu Đại học Đà Nẵng đã đưa chương trình môn học Khởi nghiệp vào các chương trình giảng dạy của trường, tổ chức các cuộc thi học sinh, sinh viên khởi nghiệp…

     Hội đồng Tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh đã tổ chức 05 đợt xét duyệt với 59 dự án, ý tưởng khởi nghiệp đăng ký tham dự, Hội đồng Tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh đã lựa chọn được 34 dự án, ý tưởng khởi nghiệp(8) và đã thực hiện các bước hỗ trợ để hiện thực hóa sản phẩm. Trong 34 dự án, ý tưởng khởi nghiệp được Hội đồng tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp lựa chọn, có 15 dự án đã được Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh ký hợp đồng hỗ trợ và đã giải ngân được 1.336.800.000 đồng; có 04 dự án không triển khai, các dự án còn lại đang hoàn thiện các thủ tục để ký hợp đồng hỗ trợ theo quy định.

     Đã tổ chức 03 lớp đào tạo khởi nghiệp nhằm đào tạo, tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm khởi nghiệp cho đối tượng là các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị có liên quan đến hoạt động hỗ trợ, tư vấn khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Phối hợp với Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) để tổ chức 02 lớp đào tạo về khởi nghiệp vào tháng 7/2020 và tháng 10/2020. Phối hợp Trung tâm xúc tiến đầu tư Miền Trung – Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lớp đào tạo, tập huấn về kỹ năng xúc tiến đầu tư vào tháng 11/2020 và công  ty TNHH  Khai Sáng Tiềm Năng Trí Tâm Minh tổ chức lớp  khởi  nghiệp “khát vọng doanh nhân Kon Tum” trong tháng 12 năm 2020.

     Đã xây dựng và hoàn thiện cuốn sổ tay khởi nghiệp tỉnh Kon Tum (in ấn 500 cuốn) bao gồm thông tin liên quan đến Chương trình khởi nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017 - 2020; Hội đồng tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum; quy trình xét duyệt dự án; chính sách hỗ trợ khởi nghiệp; danh mục ý tưởng khởi nghiệp tham khảo… Đến nay đã cung cấp hết số lượng sổ tay đến các đối tượng tham gia lớp đào tạo khởi nghiệp của tỉnh và đối tượng tham gia các ngày hội, chương trình phụ nữ khởi nghiệp do Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức. Đã thiết lập fanpage Trang hỗ trợ đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum trên facebook; duy trì thường xuyên hoạt động mô hình cà phê “khởi nghiệp – doanh nhân” trên địa bàn tỉnh. Phổ biến "Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017 - 2020" và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đến các doanh nghiệp, các chuyên gia, thanh niên, sinh viên, học sinh, bộ đội xuất ngũ và nhân dân. Báo Kon Tum, đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã xây dựng các chuyên đề, phóng sự, bài viết liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, nhất là những điển hình tốt về khởi nghiệp.

     k) Hỗ trợ DNNVV do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ

     Đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của trung ương và địa phương; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ.

      l) Hoạt động hỗ trợ khác

     - Về hỗ trợ đào tạo: Đã triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn; kết nối giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với các doanh nghiệp đầu tư để nắm bắt nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời giới thiệu quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tổ chức tư vấn chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong công tác đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng đối với lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

     - Về cải thiện môi trường đầu tư: Thực hiện các Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban các Chương trình, Kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến đầu tư tại Kon Tum, đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung phổ biến, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để tích cực hưởng ứng và triển khai thực hiện có hiệu quả. Tổ chức rà soát, thực hiện báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 1118-KT/TU, ngày 29 tháng 7 năm 2009 của Tỉnh ủy khóa XIII “về Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh”, gắn với sơ kết 03 năm thực hiện Kết luận số 345-KL/TU, ngày 24 tháng 5 năm 2016 “về Đề án Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Kon Tum đến năm 2020”. Triển khai xây dựng Đề án cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Kon Tum đến năm 2030; thực hiện khảo sát, đánh giá các Sở, ban, ngành, địa phương theo Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban ngành, địa phương của tỉnh. Triển khai xây dựng Nghị quyết của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

     - Hỗ trợ cho các doanh nghiệp nông nghiệp: Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và thu hút doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, đầu tư thiết bị công nghệ mới, nâng cấp quy mô sản xuất, nâng cấp máy móc, phương tiện vận chuyển để đảm bảo tiêu thụ, chế biến hết nông sản trên địa bàn tỉnh, đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu. Một số mặt hàng đã tiến tới xuất khẩu như: cà phê nhân, đường kính trắng, cao su,... Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh; Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với nhiều chính sách hỗ trợ đất đai đối với các nhà đầu tư có dự án nông nghiệp như miễn tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, miễn tiền chuyển đổi, chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu,... Các chính sách đã thu hút được rất nhiều doanh nghiệp tham gia.

    1. Một số thuận lợi trong tổ chức triển khai Luật

    Quá trình triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh; sự tham gia của các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh. Nhờ đó, các ngành, các cấp đã thông tin, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ DNNVV đến với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và nhận được sự quan tâm ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp.

     2. Một số khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai Luật

     - Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 nên việc tổ chức triển khai các lớp tập huấn, đào tạo cho doanh nghiệp và một số chính sách hỗ trợ khác cũng bị hạn chế.

      - Kinh phí thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện theo Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12 tháng 10 năm 2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hiện không phù hợp với thực tế, nhất là các mức chi và nội dung chi gây khó khăn trong quá trình triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

      - Nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế nên việc bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho DNNVV gặp nhiều khó khăn như: Chưa thể bố trí vốn điều lệ thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định yêu cầu tối thiểu phải là 100 tỷ đồng do ngân sách cấp tỉnh cấp; bố trí vốn để đầu tư cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa,....

     1. phương Hướng, nhiệm vụ

     Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyển phổ biến các chính sách hỗ trợ DNNVV đến với DNNVV biết, tham gia; triển khai hiệu quả Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản chỉ đạo khác của Trung ương. Tiếp tục, rà soát kiến nghị sửa đổi các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ DNNVV để kịp thời sửa đổi hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi. Ban hành và triển khai có hiệu quả Đề án hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025; Đề án cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Kon Tum đến năm 2030. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.Huy động các nguồn lực để thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó chú trọng các chính sách hỗ trợ trọng tâm (Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị).

     2. Kiến nghị, đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp: Sớm ban hành Thông tư về quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới tư vấn viên, hỗ trợ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn viên quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quy định rõ chức danh chuyên trách thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với công chức thực hiện nhiệm vụ này cần được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để có kinh nghiệm, năng lực phục vụ công tác. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025; quan tâm bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương cho các địa phương có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn để thực hiện các chính sách hỗ trợ DNNVV.

Chi tiết tại đây.

 

 

 

Diệu Linh-ipckontum
Số lượt xem:821

0 người đã bình chọn. Trung bình 0
line_weight BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
TRUNG TÂM XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀ HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH KON TUM
Địa chỉ: 12 đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; Phone:02603910260 - Fax:02603913436 ; Email: ttxtdt.skhdt@kontum.gov.vn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Công Dinh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh.
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang IPV6 Ready

4467716 Tổng số người truy cập: 82 Số người online:
TNC Phát triển: